ĐAN MẠNH HÙNG - BLOG CỦA TÔI: BỆNH TIM MẠCH: google.com, pub-8014824857981847, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

BỆNH TIM MẠCH:


“Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim và đột quỵ - hai căn bệnh này là nguyên nhân số 1 thế giới gây tử vong sớm và tàn tật.
Những  nghiên cứu cũng chỉ ra  “người có huyết áp bình thường vào tuổi 55, có đến 90% sẽ bị tăng huyết áp vào những năm sau đó.
Nguồn: Tổ chức y tế thế giới (Who)


Tăng huyết áp là nguyên nhân chính hình thành cục máu đông

Tăng huyết áp khiến sức ép trong lòng mạch tăng cao làm cho bề mặt bên trong  mạch máu bị rạn nứt tạo điều kiện cho phân tử mỡ lọt xuống thành mạch máu kéo theo các bạch cầu và một số các thành phần khác, thành mạch máu khi đó bị dày lên tạo thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm mạch máu hẹp lại, cản trở sự lưu thông của máu, các thành phần của máu bị cản trở lưu thông gắn kết vào nhau tạo thành khối liên kết hay còn gọi là cục máu đông.
Cục máu đông - Nguyên nhân  gây tai biến, đột quỵ hoặc tử vong
Mạch máu là con đường cung cấp chất dinh dưỡng, oxi… đến cho các cơ quan, nếu con đường này bị bít tắc, các cơ quan sẽ không tồn tại và hoạt động được.
Cục máu đông xuất hiện sẽ làm tắc mạch máu dẫn tới các cơ quan, các mạch máu càng nhỏ, nguy cơ bít tắc càng cao. Trên thực tế những cơ quan càng quan trọng thì những mạch máu càng bé nhỏ và dễ bít tắc. Do vậy cục máu đông được xác định là nguyên nhân trực tiếp của những bệnh tim mạch nguy hiểm như: bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, bệnh động mạch ngoại vi và bệnh mạch máu thận. Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn gây ra những gánh nặng lớn về chi phí điều trị cho cả gia đình và xã hội.
Bệnh mạch vành, mạch não là nguyên nhân chính gây nên các căn bệnh về tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch đang phổ biến trên thế giới hiện nay. Ở nước ta số người mắc các bệnh về đường tim mạch đang có chiều hướng gia tăng, kể cả những nhóm dân cư trẻ.

Nguồn gốc chung của nhóm bệnh về đường tim mạch là do bệnh lý của hệ mạch vành và hệ mạch não. 90% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch gây tổn thương động mạch vành. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính làm gia tăng 60-70% trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Gia tăng bệnh nhân bị bệnh tim mạch

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì nhu cầu về cuộc sống cũng tăng cao. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên 70-73 tuổi. Đáng buồn, số lượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũng ngày càng gia tăng.

Qua điều tra dịch tễ học, những năm vừa qua (1989-1994) ở hầu hết các tỉnh thành như: Hà Nội, Huế, Thanh Hoá, TP.Hồ Chí Minh… cho thấy số tai biến hàng năm tăng từ 1,5 - 2,5 lần. Tại Thừa Thiên - Huế, tỷ lệ người mắc các bệnh về đường tim mạch năm 1989 là 29,89/100.000 dân thì đến năm 1993 có 106,8/100.000 dân, tăng gấp 3,5 lần so với trước đó.

Tăng cường dự phòng bệnh

Ở các nước phát triển, nguyên nhân gây tử vong ở người lớn tuổi do nhồi máu cơ tim chiếm 2% tổng số người chết vì bệnh tật hàng năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mới mắc bệnh tai biến mạch máu não là 150 - 250/100.000 dân và tỷ lệ hiện mắc là 500 - 700/100.000 dân.

Nguyên nhân chính có thể gây nên các bệnh mạch vành, mạch não chính là do tình trạng thừa cân, béo phì, cholesterol máu, huyết áp cao, tình trạng hút thuốc lá… Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh người dân cũng cần cân bằng chế độ ăn uống hợp lý, một lối sống khoẻ mạnh.

Đồng thời cần khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ nếu có để dự phòng, điều trị có hiệu quả. Khi có yếu tố nguy cơ mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế khám và tư vấn về các biện pháp dự phòng hoặc điều trị. Người mắc bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện cơ thể. Hưởng ứng tích cực chương trình tự chăm sóc sức khoẻ, trong đó ưu tiên việc tập thể dục đều đặn và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, nói không với tất cả các chất kích thích gây hại như bia, rượu, thuốc lá… chính là một phương pháp dự phòng có hiệu quả đối với các căn bệnh về đường tim mạch.

Ths. Nguyễn Thị Liên - (Dân Việt)

Phát hiện sớm các bệnh nặng - Cách gì?

Các loại bệnh nặng như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư… khi mới phát thường không có triệu chứng gì đặc biệt khiến người bệnh và thầy thuốc dễ bỏ qua, song đây lại là khoảng “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh. Nếu phát hiện và điều trị các bệnh đó càng sớm càng có nhiều cơ may chữa khỏi. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm các bệnh nặng?
Muốn phát hiện sớm các loại bệnh nặng như đau tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư bạn cần nắm chắc các dấu hiệu cảnh báo sớm sau đây :

Dấu hiệu cảnh báo đau tim

Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và đi khám ngay để được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời thì cơ may giúp bạn thoát được những căn bệnh nặng là rất cao.
Nếu bạn để ý thấy mình có một hay nhiều hơn các dấu hiệu sau đây là bạn đã mắc bệnh đau tim. Khó chịu ở vùng ngực trái diễn ra trên vài phút, sau đó biến mất rồi lại tái phát, cảm giác giống như bị đè ép, nặng ngực hoặc hơi đau. Khó chịu ở nửa người trên. Có khi thấy đau hay khó chịu ở một hay hai tay hoặc ở lưng, cổ, hàm dưới hay vùng dạ dày. Thở gấp thường đi kèm với khó chịu ở ngực, nhưng đôi khi xảy ra trước. Có người còn thấy vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, đầu óc quay cuồng… Khi có dấu hiệu cảnh báo đau tim, bạn nên đi khám ở bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Triệu chứng sớm của đột quỵ

Những triệu chứng sớm của đột quỵ gồm: nhức đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân; khó nhìn ở một hay hai mắt; tê hay yếu ở mặt, tay, chân hay gặp ở một bên người; bị lẫn lộn, khó nói hoặc nói vô nghĩa; khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng, khó phối hợp các động tác. Khi phát hiện thấy một hay nhiều triệu chứng trên, người bệnh cần đến bệnh viện khám ngay.
Trước khi vỡ mạch máu não gây đột quỵ thường có triệu chứng cảnh báo sớm.

Biểu hiện của tiểu đường

Một nghiên cứu cho thấy trên 30% người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Bạn hãy cảnh giác với các biểu hiện: đi tiểu nhiều lần, khát nhiều dù vẫn uống nước, nhanh bị đói dù vẫn ăn đủ ba bữa như thường lệ; sụt cân nhiều; người cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt; mắt bị mờ… Bệnh tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp bạn giảm nguy cơ biến chứng.

Chỉ điểm của một số bệnh ung thư

Ung thư họng thường có các triệu chứng: khàn tiếng hay thay đổi giọng nói, thấy khối u ở vùng cổ hoặc có cảm giác có một cục vướng trong họng, khó nuốt, cảm giác rát bỏng khi nuốt, ho kéo dài, khó tiêu, nóng ngực, nôn, nghẹn, đau ngực…

Nếu ung thư vú, bệnh nhân cảm thấy có một u cục dày lên trong ngực, gặp nhiều ở phía nách, vùng xung quanh núm vú, dưới bầu vú. Kích thước, hình dáng bầu vú thay đổi so với trước kia. Chảy nước vàng hay máu ra từ núm vú. Da vú có sự thay đổi màu sắc hay cảm giác. Da vú bị co rút, nhăn nheo hoặc có vảy. Dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi khám ngay.

Ung thư phổi có các biểu hiện: ho kéo dài, ho ra máu, tức ngực, khàn tiếng, thở ngắt quãng hay khò khè, viêm phổi hay viêm phế quản nhiều lần, mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân, có cảm giác thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi, có khi bị đau lưng.

Ung thư bàng quang dấu hiệu sớm gồm: đi tiểu ra máu, nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn, đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu rắt.

Ung thư đại tràng, trực tràng có các biểu hiện: thay đổi thói quen đi ngoài, táo bón, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng bất thường, cảm thấy ruột luôn đầy, có máu màu đỏ sậm hay đỏ tươi lẫn trong phân, khuôn phân dẹt hơn bình thường, dạ dày phình to, đầy hay co rút, hay đầy hơi, sụt cân, mệt mỏi thường xuyên.

Ung thư thận, với các triệu chứng: đi tiểu ra máu, có thể thấy một khối u ở vùng hông, đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông, ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần.

Ung thư buồng trứng triệu chứng thường là: sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới, cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ, sụt cân và chán ăn, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hay đi tiểu nhiều lần trong ngày, chảy máu từ âm đạo…

Ung thư tuyến tiền liệt có các dấu hiệu: đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm, khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hoặc ngược lại không tiểu được, dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn, đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu, đau khi xuất tinh, có máu trong nước tiểu hay tinh dịch, đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi.

Ung thư tinh hoàn: thấy một khối u ở tinh hoàn, cảm giác nặng ở bìu, đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở háng, tự nhiên thấy có nước ở bìu, đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu, vú to lên hay có cảm giác nặng.

BS. Phạm Quốc Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét