Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.

Không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.© Được VTC cung cấp

Ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư?

Về nguyên lý, nitrit (là hợp chất của nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ) sau khi vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.

Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện nhất định mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit.

Ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, gồm, vật lý, hóa học và sinh học, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.

Mặt khác, thức ăn thừa nói chung và thịt gà nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị vi sinh vật, nấm mốc, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.

“Vi sinh vật không gây ung thư nhưng có thể gây ra độc tố, ngộ độc cấp, dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa”, PGS Thịnh nói.

Chuyên gia khuyến cáo, bạn không nên tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh, tốt nhất nên nấu vừa đủ cho cả gia đình, ăn hết trong ngày. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày, cho vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín, trữ ở ngăn đông hoặc ngăn mát. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi.

Các bà nội trợ tốt nhất nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để thức ăn thừa lại bữa sau, và chỉ nên bảo quản thịt gà chưa qua chế biến.

Trường hợp bắt buộc phải bảo quản thịt gà đã chế biến, sau ăn bạn nên đem đun lại nồi thịt, để nguội và cất vào tủ lạnh. Không nên để nguyên nồi thịt đã dùng đem bảo quản, như vậy rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn.

Giá trị dinh dưỡng từ thịt gà

Trong thịt gà gồm các vitamin A, B1, B2, C, E và nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên không chỉ là thực phẩm khoái khẩu mà tác dụng của thịt gà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, vitamin B6 (hoặc vitamin B tổng hợp) trong thịt gà sẽ khuyến khích các enzyme và các phản ứng trao đổi chất của tế bào trong cơ thể. Nếu mọi người đang tìm kiếm nguồn thịt nạc tuyệt vời chứa nhiều protein, ít chất béo thì nên chọn thịt gà.

Lượng protein trong thịt gà có tác dụng giúp bạn tăng trưởng và phát triển cơ bắp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ giảm cân. Trong thịt gà cũng chứa lượng lớn axit amin được gọi là tryptophan có tác dụng làm dịu thần kinh, kích thích giấc ngủ.

Thịt gà có tính ấm, chế biến các món ăn tẩm bổ như hầm, cháo, canh dùng để bồi bổ, tăng cường sức khỏe cho người bệnh, đau ốm. Thịt gà ít tanh, hôi như thịt vịt. Thịt gà giàu phốt pho sẽ giúp hỗ trợ xương, răng phát triển, chắc, khỏe, phù hợp với người muốn giảm cân.


 

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

7 CÁCH HẠ HUYẾT ÁP

 Duy trì cân nặng phù hợp, hạn chế uống rượu, tập thể dục, ưu tiên thực phẩm giàu magie và kali góp phần cân bằng huyết áp.

Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tức huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90 mmHg. Cách tốt để cân bằng huyết áp là thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá.

1.Chế độ ăn tốt cho tim

Chế độ ăn DASH (Dietary approaches to stop hypertension) được thiết kế để góp phần giảm huyết áp cao. Chế độ ăn này khuyến khích hạn chế natri ở mức 2.300 miligam mỗi ngày. Natri có trong muối ăn làm cơ thể tiết ra nhiều dịch tế bào, khiến tim đập nhanh hơn, dẫn đến tăng huyết áp.

Người cao huyết áp cũng cần hạn chế thực phẩm chiên, nhiều đường, béo, chế biến sẵn, ăn nhiều thực phẩm giàu magie, canxi và kali.

Thực phẩm giàu canxi: Các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua), rau lá xanh (cải xoăn, rau bina), các loại hạt.

Thực phẩm giàu kali: Trái cây (chuối, cam, dưa đỏ), rau (bí, khoai lang, bơ), các loại đậu, sữa.

Thực phẩm nhiều magie: Bơ đậu phộng và các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều), thịt gà, thịt bò, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

Chất xơ: Trái cây (anh đào, thực phẩm họ cam quýt giàu chất xơ pectin và quả mọng), ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, lúa mì, yến mạch), tinh bột kháng (gạo, đậu và các loại đậu khác, khoai tây).

2.Giảm cân

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim vì làm tăng cholesterol và huyết áp. Kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục để giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp.

3.Tập thể dục

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị người lớn nên dành 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao, trong đó có hai ngày tập thể dục tăng cường cơ bắp.

Các bài tập nên thực hiện là thể dục nhịp điệu, đi bộ, bài tập dây kháng lực, khiêu vũ, đạp xe, bơi lội.

Người cao huyết áp nên kiểm tra chỉ số thường xuyên để điều chỉnh phù hợp. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

4.Bỏ hút thuốc lá

Thuốc lá độc hại vì có chứa hơn 7.000 hóa chất. Ít nhất khoảng 70 chất trong số đó là nguyên nhân gây ung thư. Trong đó, có những chất gây nguy hiểm cho sức khỏe nhất là nicotine, carbon monoxide. Hút thuốc làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim và đột quỵ.

5.Giảm uống rượu và caffeine

Rượu có thể làm tăng huyết áp. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và phụ nữ không quá một ly. Không giống như rượu làm tăng huyết áp lâu dài, caffeine thường gây tăng huyết áp tạm thời.

6.Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ kém chất lượng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. AHA khuyến nghị mỗi người nên 8 tiếng mỗi đêm để phòng tránh các vấn đề tim mạch. Người khó ngủ sâu có thể đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân, kết hợp thay đổi lối sống để ngon giấc.

7.Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp tạm thời và căng thẳng mạn tính dẫn đến tăng huyết áp lâu dài. Đây là lý do kiểm soát căng thẳng là một trong những cách tốt nhất để hạ huyết áp tự nhiên. Các kỹ thuật giảm stress để giảm chỉ số huyết áp như thở sâu, thiền.

Lê Nguyễn (Theo Theo Very Well Health)


Đọc bài gốc tại đây.

 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

HOT HOT: UỐNG BIA 0 NỒNG ĐỘ CỒN

 Uống bia không cồn, khi thổi nồng độ cồn có lên không?

XUÂN MAI • 1 giờ

Hiện thị trường có nhiều hãng sản xuất bia không cồn (0 độ). Nhiều người băn khoăn uống bia không cồn có say không? Sau uống, nếu thổi nồng độ cồn thì có lên?

Tổ công tác của Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đo nồng độ cồn một người tham gia giao thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH© Được Tuổi trẻ cung cấp

Thời gian này, nhiều người có xu hướng chọn uống bia không cồn, thay vì uống bia bình thường như trước đây. Theo họ, uống bia không cồn sẽ không bị say, giúp an toàn hơn khi lái xe và nếu có bị cảnh sát giao thông đo, nồng độ cồn cũng không lên...

Phân tích rõ hơn bia không cồn, bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) thông tin, bia không cồn cũng được sản xuất như bia bình thường nhưng nó được thêm giai đoạn loại bỏ bớt cồn trong bia, có thể bằng cách chưng ở nhiệt độ thấp để cồn bay hơi.

Theo cơ chế thì bia lúa mạch mà chưng cất tách cồn thì sẽ không hại gan mà còn ích lợi cho tiêu hóa. So sánh với bia có cồn, bia không cồn sẽ ít gây hại cho gan hơn.

Về việc uống bia không cồn, khi thổi nồng độ cồn, chỉ số có lên không, bác sĩ Minh Đức cho rằng theo nguyên tắc, nếu bia không có cồn thì khi thổi nồng độ cồn sẽ không lên.

Tương tự, bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho hay trong bia thường có các thành phần chính là cồn êtylic, nước và phụ gia tạo mùi vị. Bia không cồn được lấy hết cồn ra.

Khi uống bia không cồn, dù với số lượng nhiều cũng không gây say, không ghi nhận có cồn trong máu nên khi thổ,i nồng độ cồn không lên.

Bác sĩ Lưu Phương cho biết thêm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe người uống là do cồn gây nên. Với bia không cồn thì hầu như không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên người uống thường cảm thấy không ngon, khi chỉ có mùi vị bia nhưng không có cồn.

Đọc bài gốc tại đây.

 

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

8 lời khuyên vàng để giảm cân một cách lành mạnh

                                           Phương Anh (Theo Medicinenet)

Kiểm soát và giảm trọng lượng cơ thể sẽ bớt khó khăn hơn khi chúng ta tìm hiểu và thực hiện những phương pháp giảm cân lành mạnh.

1.Uống nhiều nước

Việc uống đủ nước mang lại nhiều lợi ích quan trọng, giúp cơ thể hoạt động hiệu quả và khỏe mạnh. Uống nhiều nước cũng là mẹo giảm cân mà bất cứ ai cũng có thể làm theo. Uống một cốc nước trước khi ăn vì đôi khi cơn khát có thể bị nhầm lẫn với cơn đói. Ngoài ra, các loại trà không đường cũng là lựa chọn tốt giúp bạn thoả mãn cơn thèm ăn.

2.Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày

Thật khó để cắt giảm lượng calo khi bạn luôn cảm thấy đói. Những người ăn 4 - 5 bữa nhỏ mỗi ngày cho biết họ ít đói hơn và dễ kiểm soát cân nặng của mình. Chia lượng thức ăn hàng ngày của bạn thành các bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ trải đều trong ngày. Cố gắng ăn nhiều hơn và sớm hơn.

3.Ăn sáng để giảm cân

Bỏ bữa sáng là một ý tưởng tồi đối với những người đang muốn giảm cân. Một số nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn vì nó dẫn đến cảm giác đói và có thể ăn quá nhiều vào cuối ngày. Hãy lựa chọn bữa sáng lành mạnh như ngũ cốc giàu chất xơ, các sản phẩm từ sữa hoặc trái cây.

4.Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn

Một chế độ ăn nhiều rau quả sẽ giúp bạn giảm cân và duy trì cân nặng. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy no vì chúng chứa nhiều nước và chất xơ.

5.Dọn sạch tủ lạnh

Việc giảm cân trở nên khó khăn hơn khi bạn phải đối mặt với sự hiện diện của những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Nên dọn sạch tủ đựng thức ăn.

6.Không nên áp đặt cân nặng

Những người hiểu rõ về cân nặng của mình có xu hướng giảm cân tốt hơn. Nhưng bạn không nên đo trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Biến động hàng ngày của cân nặng có thể dẫn đến chán nản. Hãy bước lên bàn cân một lần một tuần vào cùng một thời điểm trong ngày. Lý tưởng nhất là bạn nên mặc cùng loại quần áo và cùng chiếc cân.

7.Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ sẽ gây mất cân bằng nội tiết tố, khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, ngủ không đủ giấc dẫn đến lượng Ghrelin tăng cao, kích thích cảm giác thèm ăn. Tương tự, Leptin - một loại hormone báo hiệu bạn đã no - sẽ được sản xuất ở mức độ thấp khi thiếu ngủ. Bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh và no hơn nếu bạn ngủ đủ giấc.

8.Nhai kẹo cao su không đường

Nhai kẹo cao su không đường có thể giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn và cơn đói. Tuy nhiên, loại kẹo này không nên thay thế các thực phẩm lành mạnh thông thường mỗi ngày.


Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

5 điều nên làm mỗi tối để não bộ khỏe mạnh hơn

 Đi dạo sau bữa tối ở khu rợp bóng cây, lịch trình giấc ngủ nhất quán, thay rượu bằng nước hay đọc sách, tránh xa điện thoại là những thói quen nên làm để tăng chức năng não bộ.

1. Trở về với thiên nhiên

Một nghiên cứu vào tháng 6/2019 trong Current Directions in Psychological Science‌ cho thấy việc tiếp xúc với không gian xanh dẫn đến chức năng nhận thức cao hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực ghi nhớ, tư duy linh hoạt và sự tập trung.

Sức mạnh của việc sống xanh không chỉ dừng lại ở đó. Một nghiên cứu vào tháng 7/2019 trên tạp chí ‌Science Advances‌ cho thấy thiên nhiên giúp cải thiện sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng.

Thời gian dành cho thiên nhiên thậm chí có thể bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu vào tháng 12/2022 trên ‌Environmental Health‌ cho thấy việc dành thời gian trong môi trường tự nhiên giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Vì vậy, hãy ăn tối trên sân thượng của bạn, thư giãn với một cuốn sách hay trên chiếc võng ở sân sau vào lúc hoàng hôn hoặc đi dạo sau bữa tối quanh một khu nhà rợp bóng cây hoặc qua công viên để giúp bộ não khỏe mạnh hơn.

2. Đặt lời nhắc trước khi đi ngủ

Ngủ đủ giấc là chìa khóa để có một bộ não khỏe mạnh, hạnh phúc. Và hóa ra một trong những cách tốt nhất để cải thiện thời gian cũng như chất lượng ngủ là tuân theo một lịch trình nhất quán.

Thói quen ngủ tốt giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ suốt đêm. Điều đó có nghĩa là bạn có khả năng ghi lại tổng số giờ nhắm mắt nhiều hơn so với việc bạn thay đổi thời gian ngủ.

"Ngoài ra, chúng ta trải qua những khoảng thời gian khác nhau trong đêm ở những giai đoạn khác nhau của giấc ngủ" Reid Kehoe, nhà tâm lý học thần kinh tại Northwestern Medicine cho biết. "Thời gian ngủ không đều khiến việc duy trì nhịp điệu giấc ngủ trở nên khó khăn hơn, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng nhận thức".

Một nghiên cứu năm 2021 trên ‌Digital Medicine‌ cho thấy những người có lịch trình ngủ lộn xộn có nhiều khả năng bị trầm cảm và cho biết tâm trạng không tốt.

Cách dễ dàng để giúp bạn đi đúng hướng: Nhiều điện thoại thông minh hiện có tùy chọn đặt lời nhắc khi sắp đến giờ đi ngủ để nhắc bạn bắt đầu thư giãn.

Hãy nhớ rằng thời gian bạn cần để thư giãn có thể khác với thời gian của người khác (bao gồm cả bạn cùng giường), vì vậy bạn có thể muốn thử nghiệm các khung thời gian khác nhau để xem khung thời gian nào phù hợp nhất với mình.

3. Thay rượu bằng nước

Một nghiên cứu trên ‌Nature Communications‌ hồi tháng 3/2022 cho thấy chỉ cần uống vài ly rượu mỗi tuần cũng có liên quan đến việc giảm thể tích não. Uống một ly mỗi ngày tương đương với việc già đi hai năm về mặt nhận thức, trong khi 1,5 ly mỗi ngày tương đương với việc già đi 3,5 năm về mặt nhận thức, làm giảm chất trắng và chất xám.

Đó chưa phải là tất cả. Kehoe nói: "Nhiều người không nhận ra tác động tiêu cực mà chỉ một ly đồ uống có cồn có thể gây ra cho giấc ngủ. Rượu có thể gây mất ngủ, khiến thời gian ngủ ngắn hơn, gián đoạn ban đêm và ngưng thở khi ngủ".

Thay vì một ly rượu, hãy rót cho mình một cốc nước. Trong một phân tích vào tháng 11/2018 trên ‌Y học & Khoa học trong Thể thao & Tập thể dục‌, những người có mức độ hydrat hóa không phù hợp đã bị suy giảm hiệu suất nhận thức, bao gồm suy giảm khả năng chú ý, tốc độ xử lý và khả năng phối hợp.

Hơn nữa, một nghiên cứu vào tháng 5/2018 trên ‌Nutrients‌ cho thấy rằng ở những người trên 65 tuổi, tình trạng mất nước làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nhận thức ở những người đã mắc chứng mất trí nhớ.

Theo nghiên cứu, nếu bạn không uống đủ nước, các protein bị lỗi có nhiều khả năng tích tụ trong não và gây tổn thương cho các tế bào thần kinh và khớp thần kinh.

4. Đắm chìm vào một cuốn sách

Đọc sách là một trong những thói quen giúp làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức. Ảnh: thescarboroughnews© Được Ngoi sao cung cấp

Bạn có thể đọc theo cách của bạn để có sức khỏe não bộ tốt hơn. Kehoe nói: "Việc đọc sách đã liên tục được chứng minh là tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ, giảm thiểu lo lắng và làm dịu não bộ. Thêm vào đó, những người đọc thường xuyên có kết quả nhận thức tốt hơn".

Một nghiên cứu nhỏ vào tháng 12/2013 trên ‌Brain Connectivity‌ đã phát hiện ra rằng việc mở một cuốn tiểu thuyết làm tăng các kết nối thần kinh.

Và trong một nghiên cứu vào tháng 6/2020 trên tạp chí ‌Tâm lý Lão khoa Quốc tế‌, việc chăm chú vào sách ít nhất một lần một tuần đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức do tuổi tác.

Trong khi đó, nghiên cứu vào tháng 7/2018 trên ‌JAMA Psychiatry‌ gợi ý đọc sách, báo hoặc tạp chí giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

5. Cất điện thoại hai tiếng trước khi đi ngủ

Chiếc điện thoại "thông minh" có thể khiến bạn trở nên chậm chạp hơn. Một nghiên cứu trên ‌Journal of the Association for Consumer Research‌ đã tiết lộ rằng việc để điện thoại trong tầm tay sẽ dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám". Nó làm giảm khả năng nhận thức của bạn, bao gồm trí nhớ làm việc, học tập, suy luận logic, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Theo nghiên cứu, hiệu ứng này vẫn tồn tại khi điện thoại úp xuống, tắt tiếng hoặc thậm chí tắt nguồn. May mắn thay, "xa mặt cách lòng" có thể có ích, bởi cất điện thoại sang phòng khác giúp cải thiện trí tuệ.

Harvard Health Publishing chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình sẽ ức chế melatonin, loại hormone gây buồn ngủ. Điều đó có nghĩa là sử dụng điện thoại của bạn trong vòng vài giờ sau khi nằm xuống gối có thể khiến bạn tỉnh táo hơn.

"Hầu hết các điện thoại thông minh đều có tùy chọn cài đặt màn hình 'chế độ ban đêm' để hạn chế ánh sáng xanh," Kehoe nói, gợi ý nên bật chế độ này lên trong trường hợp bạn sử dụng khi trời tối.

Một việc cuối cùng hãy làm cho bộ não của bạn là đừng ngủ gật khi để điện thoại bên cạnh. Một nghiên cứu vào tháng 6/2020 trên ‌Nature and Science of Sleep‌ phát hiện ra rằng làm như vậy có liên quan đến sự mệt mỏi vào ban ngày, khó ngủ và gián đoạn giấc ngủ.

Hướng Dương (Theo Live Strong)


Đàn ông có thể làm 4 việc này sau 65 tuổi chứng tỏ có sức khỏe tốt

  (VTC News) -  Nếu một người đàn ông trên 65 tuổi có thể làm được 4 điều dưới đây, chứng tỏ thể chất họ tương đối tốt, ít có khả năng mắc...