Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

BÀI 43 - BỆNH TIM MẠCH

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, sự hoạt động của các mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Các bệnh tim mạch bao gồm: các bệnh mạch máu như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.

Bệnh tim mạch gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ Oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.

 Tim là cơ quan làm việc không ngừng nghỉ. 24/24 giờ làm việc mang máu đi nuôi sống các bộ phận khắp cơ thể. Tim là một thể thống nhất. Giờ đây người ta có thể thay tim, nhưng không thể cắt bỏ một phần trong chúng. Một đời người, năng lượng mà tim sinh ra, có thể cắt đứt một thanh sắt có phi 1 cm. Bệnh tim mạch có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận (thậm chí là suốt đời), tốn kém nhiều chi phí.

43.1 - Biến chứng

Các biến chứng của bệnh tim mạch bao gồm:

Suy tim. Một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh tim, suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim có thể là kết quả của nhiều dạng bệnh tim, bao gồm cả các khuyết tật tim, bệnh tim mạch, bệnh van tim, bệnh nhiễm trùng tim hoặc bệnh cơ tim.

Đau tim. Một cục máu đông chặn sự lưu thông của máu, máu không thể đến tim sẽ gây ra một cơn đau tim, có thể gây tổn hại hoặc phá hủy một phần của cơ tim. Xơ vữa động mạch có thể gây ra một cơn đau tim.

Đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch cũng có thể dẫn đến một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ. Điều này xảy ra khi động mạch não bị thu hẹp hoặc bị chặn, do đó có quá ít máu đến não của bạn. Một cơn đột quỵ cần được cấp cứu khẩn cấp, vì mô não bắt đầu chết chỉ trong vòng một vài phút khi cơn đột quỵ bắt đầu.

Chứng phình động mạch. Một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể của bạn, đó là chứng phình động mạch. Khi bị phình động mạch, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng chảy máu nội bộ và có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Xơ vữa động mạch cũng có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên. Khi bị động mạch ngoại biên, tứ chi của bạn, chủ yếu là chân, sẽ không nhận đủ lượng máu. Điều này gây ra các triệu chứng đau, phổ biến nhất đau chân khi đi bộ.

Tim ngừng đột ngột. Ngừng tim đột ngột là chức năng tim, hơi thở và ý thức mất đột ngột, thường được gây ra bởi một rối loạn nhịp tim. Ngừng tim đột ngột là một trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp. Nếu không được điều trị ngay lập tức, nó có thể gây tử vong.

43.2- Chẩn đoán bệnh tim (bệnh tim mạch)

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh tim mạch vành dựa trên bệnh sử của gia đình, các yếu tố nguy cơ của bạn, xét nghiệm thể chất và các kết quả xét nghiệm và thủ tục khác.

Không có phương pháp duy nhất nào có thể chẩn đoán bệnh tim mạch vành. Nếu bác sĩ nghĩ bạn mắc bệnh tim mạch vành, bác sĩ có thể thực hiện một hay nhiều phương pháp y tế để chẩn đoán chính xác hơn.

Những kỹ thuật y tế khác có thể giúp chẩn đoán bệnh tim là gì?

Bên cạnh các xét nghiệm máu và chụp X-quang, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tim có thể bao gồm:

Điện tâm đồ (ECG);

Máy theo dõi Holter;            Siêu âm tim;

Đặt ống thông tim;               Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan);

Chụp cộng hưởng từ tim (MRI).

43.3- Điều trị

Phương pháp điều trị bệnh tim khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Ví dụ, nếu bạn mắc nhiễm trùng tim, bạn có thể sẽ được cho thuốc kháng sinh. Nói chung, những phương pháp điều trị cho bệnh tim thường bao gồm:

Thay đổi lối sống: có chế độ ăn uống ít chất béo và natri, tập thể dục vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu.

Sử dụng thuốc. Ngoài việc thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát bệnh tim của bạn. Các loại thuốc này sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim bạn đang mắc phải.

Các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật. Nếu thuốc không điều trị bệnh hiệu quả, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật tim. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tim của bạn.

43.4- Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Làm thế nào bạn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh tim (bệnh tim mạch)?

Bệnh tim mạch có thể được cải thiện – hoặc thậm chí ngăn ngừa được – bằng cách thay đổi lối sống nhất định. Những thay đổi sau đây có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch:

Bỏ hút thuốc;

Kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường;

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần;

Ăn một khẩu phần ăn ít muối và chất béo bão hòa;

Duy trì trọng lượng khỏe mạnh; Giảm căng thẳng; Giữ vệ sinh thật tốt.

             Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư.

  43.5- LỘ MẶT 3 "THỦ PHẠM" GÂY CÁC BỆNH TIM MẠCH

Huyết áp cao, mỡ máu cao và đái tháo đường là 3 thủ phạm gây ra các biến cố tim mạch. Đây được xem là 3 "sát thủ thầm lặng" chính cần phải chủ động phát hiện và chữa trị sớm.

Tất cả các bệnh nhân có tiền án về các bệnh  Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Mỡ máu ... khi có triệu chứng nặng ngực, đau nhói ngực sau xương ức cần phải đến cơ sở y tế sớm để được làm xét nghiệm và đo điện tim nhằm phát hiện sớm bệnh mạch vành.

Tại bệnh viện, những trường hợp nghi ngờ có thể cho làm điện tâm đồ gắng sức nhằm nâng độ nhạy trong việc phát hiện sớm bệnh này.

Bạn hãy ghi nhớ và điều chỉnh 3 thủ phạm sau đây để sức khỏe bản thân luôn an toàn:

1. Mỡ máu cao (lipid cao)

 Lipid cao là một yếu tố quan trọng đưa đến bệnh tim mạch. Các cholesterol này tuy không thể thiếu được cho nhu cầu của cơ thể, nhưng rất nguy hại khi dư thừa quá nhiều trong máu.

Cholesterol sẽ nằm trên lớp vách mỏng của các động mạch và ngay cả trên tim nữa. Dần theo năm tháng, lớp mỡ này dày lên và giảm bớt kích thước của các động mạch. Qúa trình vận chuyển máu và oxy đến các cơ quan bị yếu đi, không đủ nuôi các cơ quan bộ phận trong cơ thể khi cần phải cố sức làm việc gì đó, dẫn đến những cơn đau ở ngực, đó là tình trạng nguy hiểm của chứng đau thắt ngực, do thiếu máu đến tim.

Muốn bảo vệ tim, phải có chừng mực với hàm lượng cholesterol. Nếu bạn ăn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol dưới 2g trong ngày, bạn không cần lo lắng gì cả, nhưng lần sau đó phải chú ý. Trên 2,5g trong ngày, bạn phải theo một chế độ ăn kiêng và đôi khi phải uống thuốc thêm.

2. Huyết áp cao

Cũng gây nguy hiểm đáng kể cho tim mạch và là thủ phạm hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Theo định nghĩa của Hội Tim mạch Hoa Kỳ thì áp huyết bình thường là từ 130/85mmHg trở xuống.

Nếu bị tăng huyết áp (huyết áp tối thiểu từ 90mmHg trở lên và huyết áp tối đa từ 140mmHg trở lên) thì hãy tích cực chữa trị, đưa chỉ số huyết áp về dưới 130/80mmHg. Tuy nhiên, áp huyết phải dưới 120/80 thì mới được kể là "lý tưởng".

Từ 18 tuổi trở lên hãy thường xuyên đo huyết áp và nhớ con số của mình. Nếu huyết áp bình thường (huyết áp tối thiểu trong khoảng 60-89mmHg và huyết áp tối đa trong khoảng 90-139mmHg) thì chỉ cần đo lại hàng tháng, thậm chí đo lại hàng ngày. Chỉ có đo huyết áp mới phát hiện được tăng huyết áp.

3. Đái tháo đường

Người bị đái tháo đường (tiểu đường) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp 2-3 lần người không bị. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường bị bệnh tim mạch cao gấp 3 lần phụ nữ bình thường. Đàn ông mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 lần đàn ông bình thường. Khoảng 2/3 những người bệnh tiểu đường sẽ tử vong vì những bệnh tim mạch.

Tắc các mạch máu và đường huyết tăng cao cũng gây tổn thương cơ tim và làm nhịp tim không đều. Bệnh nhân bị tổn thương cơ tim gọi là bệnh cơ tim, có thể không có triệu chứng trong giai đoạn sớm nhưng về sau xuất hiện các triệu chứng yếu mệt, khó thở, ho khan, mệt mỏi và phù chân. Đái tháo đường có thể làm mất cảm giác đau ngực, là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim của bệnh mạch vành

Vì vậy, người bị bệnh đái tháo đường đều nên đặc biệt chú ý và ngăn ngừa bệnh tim mạch sớm. Dĩ nhiên chế độ ăn, thể dục, uống thuốc và chích thuốc là rất quan trọng.

Các biện pháp phòng tránh hữu hiệu

Phòng bệnh tim mạch có nghĩa là chúng ta phòng ngừa làm sao để hạn chế mắc 3 căn bệnh trên.

 Các biện pháp phòng bệnh tim mạch bao gồm:

- Ăn ít muối: Ăn ít muốn không chỉ giảm lipid cao trong máu, bệnh đái tháo đường, mà càng ăn ít muối huyết áp càng thấp.Một nghiên cứu của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia (Mỹ) cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp.

Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

- Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc: Nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đều cho thấy chất xơ trong rau quả và các loại đậu có tác dụng chuyển hoá các chất béo và làm hạ huyết áp, điều chỉnh được lượng đường huyết trong máu. Nhiều loại rau củ quả, các loại hạt, đậu nành…

- Hạn chế thịt: Thịt và mỡ động vật nhất là các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò và các loại sữa và trứng có hàm lượng mỡ bão hoà cao là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.

- Nói không với thuốc lá: Thuốc là cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Thống kê cho thấy, người hút thuốc có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn hai lần người không hút.

Chất nicotin trong thuốc lá làm mạch máu co hẹp, cản trở sự lưu thông của máu, làm huyết áp tăng. Khói thuốc lá làm tăng rủi ro vữa xơ động mạch và tăng các yếu tố làm đông máu, tai biến mạch máu não dễ dàng xảy ra.

- Bia rượu vừa phải: Tiêu thụ bia rượu vừa phải có thể chấp nhận được. Vừa phải là khoảng 360cc bia, hai lần một ngày cho nam giới, một lần cho nữ giới. Nhưng quá nhiều rượu sẽ đưa tới tăng huyết áp, tăng lượng chất béo triglycerid, giảm chất béo tốt HDL, tăng rủi ro vữa xơ động mạch. Hậu quả là bệnh tim mạch, tai biến não, suy tim.

 - Đừng quên tập thể dục: Giúp giảm đường, giảm mỡ, giảm cân, giảm áp huyết, và giảm những bệnh tim mạch. Người có thể dục thường xuyên sẽ sống khỏe hơn, lâu dài hơn, và sẽ có xương cứng hơn những người ít hoạt động. Nên thể thao khoảng hơn 30 phút, 4 hoặc 5 ngày mỗi tuần.

                   Theo PGS.TS Đoàn Văn Đệ - Sức khỏe gia đình

43.6- XỬ TRÍ CÁC TÌNH HUỐNG CẤP CỨU TIM MẠCH

1. Ngưng tim

Trong cuộc sống có rất nhiều bệnh lý chung ta thường gặp nhưng trong đó phần lớn chúng ta gặp là bệnh về tim mạch - Hệ tuần hoàn trong cơ thể con người.

Bệnh tim mạch là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới ngừng tim. Trong cuộc sống và như các bạn đã biết ngừng tim là ngừng dòng chảy của máu, là ngừng cung cấp các dưỡng chất để nuôi các tế bào trong cơ thể. Do vậy ngừng tim rất nguy hiểm. Não chết sau 3 phút khi không được cung cấp đầy đủ oxy và nhiều cơ quan khác sẽ bị ảnh hưởng khi tim ngừng đập. Vậy ngưng tim là gì?

Ngưng tim (cardiac arrest) là tình trạng rối loạn co bóp của cơ tim hoặc các nhát bóp của cơ tim không đạt hiệu quả tối thiếu khi làm việc, điều đó sẽ làm làm giảm lượng máu đưa vào tuần hoàn trong cơ thể để nuôi các tế bào sống trong cơ thể. Điều này làm giảm lượng ôxy cung cấp cho các tế bào, đặc biệt là tế bào não là tế bào nhạy cảm với ôxy, sẽ tổn thương nặng nếu thiếu ôxy trong khoảng từ 3 đến 5 phút.

Các trường hợp ngưng tim có thể xảy ra ở bất kỳ người nào và bất kỳ khi nào. Không ai có thể biết trước được.

Nạn nhân ngưng tim nếu được phát hiện, cấp cứu đúng cách và kịp thời có thể được cứu sống và hồi phục não.

 + Nhận biết

Một người đang sinh bình thường hoạt đột nhiên ngã gục xuống hoặc bất tỉnh. Chúng ta cũng nên phân biệt với các bệnh đột quỵ khác bằng cách:

- Bắt mạch người bệnh ở động mạch cảnh vùng cổ hoặc mạch quay.

- Áp bàn tay vào vùng tim của người bệnh.

+ Xử trí

- Kiểm tra xem nạn nhân có tỉnh không bằng cách lay vai và gọi to. Nếu không tỉnh, nhanh chóng kêu gọi mọi người giúp đỡ, tự mình hoặc nhờ người khác gọi cấp cứu.

- Kiểm tra động mạch cổ trong vòng 5 – 10 giây.

- Nếu nạn nhân không có mạch, thực hiện nhấn tim ngoài lồng ngực. Vị trí nhấn tim là giữa lồng ngực, tại nửa dưới của xương ức. Cần nhấn tim MẠNH và NHANH. Nhấn tim mạnh là nhấn với lực của hai bàn tay, khuỷu tay thẳng, nhấn xuống sâu ít nhất 5 cm. Nhấn tim nhanh là nhấn ít nhất 100 lần/phút. Sau mỗi lần nhấn tim, cần để lồng ngực phồng lên trở lại rồi mới nhấn tiếp.

- Kiểm tra lại mạch mỗi 2 phút. Tiếp tục quá trình cấp cứu cho đến khi nạn nhân có mạch lại hoặc có đội ngũ y tế đến hỗ trợ.

2. Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim (heart attack) là tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc khiến cho vùng cơ tim tương ứng với nhánh mạch vành bị tắc phụ trách không nhận được máu nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu cục bộ liên tục và nghiêm trọng, gây ra tình trạng hoại tử cơ tim cấp tính. Tình trạng này có tỉ lệ tử vong cao, lên đến 30%, trong đó, khoảng một nửa chết trước khi kịp đến bệnh viện. Nhồi máu cơ tim mặc dù rất nguy hiểm nhưng việc điều trị kịp thời giúp tránh được tử vong và những biến chứng. Càng vào viện sớm, nhất là trong vòng một giờ đầu sau nhồi máu cơ tim, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao.

+ Nhận biết

Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp nhất. Cảm giác đau ở sâu trong cơ thể, có thể là cảm giác đau nặng nề nhất mà người bệnh chưa từng cảm nhận. Người bệnh cảm thấy lồng ngực bị đè nặng, bóp nghẹt hay xiết chặt. Vị trí đau thường ở giữa lồng ngực, sau xương ức, có thể lan tới cánh tay, ít hơn là tới bụng, lưng, hàm dưới và cổ, không bao giờ lan xuống dưới rốn. Bên cạnh đau thắt ngực, các triệu chứng kèm theo có thể là: cảm giác yếu, da tái, toát mồ hôi, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, lo lắng, lạnh chi…

+ Xử trí

Gần đây, trên internet và Facebook có chia sẻ bài viết “Làm sao để sống qua cơn đau tim khi bạn ở một mình” khuyến cáo người có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim nên hít một hơi thật sâu rồi ho mạnh và dài, lập lại liên tục như vậy. Đây là thông tin không chính xác, không đáng tin cậy. Vì vậy, tuyệt đối không làm theo vì không những không ích lợi mà còn có thể gây hại, khiến cho tình trạng nhồi máu cơ tim tồi tệ hơn do đưa đến ngưng tim.

Nếu gặp cơn đau ngực và những dấu hiệu cho thấy có khả năng bị nhồi máu cơ tim, bạn phải cố gắng giữ bình tĩnh, tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn. Ngưng mọi công việc đang thực hiện, ngồi hoặc nằm xuống. Lập tức gọi người đến giúp đỡ trước khi bạn có thể bất tỉnh và không nhận biết gì. Thở ôxy nếu có nguồn cung cấp ôxy. Nếu có thuốc, ngậm một viên nitrate dưới lưỡi mỗi 5 phút, uống hoặc nhai và nuốt một viên aspirin trừ khi dị ứng với thuốc này. Nếu triệu chứng đau ngực không giảm, hoặc kéo dài khoảng 20 phút hay lâu hơn nữa, cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện, không được tự lái xe. Không nên xem nhẹ các triệu chứng và không trì hoãn, việc chờ đợi để xem cơn đau có giảm không có thể gây nguy hại cho tim, tệ hơn nữa là ảnh hưởng đến tính mạng. Khi tới bệnh viện, báo cho nhân viên y tế biết rằng bạn có thể bị nhồi máu cơ tim, yêu cầu được khám bệnh và điều trị ngay lập tức.

Nếu nghi ngờ ai đó hay người thân bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể giúp đỡ họ. Cần giữ bình tĩnh, tránh để sự lo lắng của nạn nhân ảnh hưởng tới mình. Trấn an nạn nhân vì lo lắng sẽ làm xấu hơn tình trạng thiếu máu của cơ tim và khiến triệu chứng nặng hơn. Nếu được, cho nạn nhân thở ôxy, ngậm viên nitrate, uống thuốc aspirin. Gọi cấp cứu. Nếu có thể đưa nạn nhân tới bệnh viện nhanh hơn đợi xe cấp cứu thì nên tiến hành ngay. Trong khi chờ được giúp đỡ, nới rộng cổ áo nạn nhân, đặt họ ở tư thế thoải mái, thường là nằm ngửa với đầu kê cao.

                                                                   Trích: Thành Liêm

43.7- CHÚ Ý KHI DÙNG THUỐC

Thuốc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch tuyệt đối không được dùng bừa bãi.

a- Thuốc Tây

Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch cần lưu ý những điều sau:

1. Không tự ý mua để sử dụng

Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc uống mà không có sự giám sát, theo dõi của bác sĩ thì có thể xảy ra một số tai biến do thuốc, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ:

- Các loại thuốc lợi tiểu: Nếu sử dụng tùy tiện có thể gây mất nước làm rối loạn điện giải gây hội chứng mất nước, mỏi cơ, thậm chí rối loạn chuyển hóa mỡ máu.

- Các thuốc trợ tim (digital): Tự ý sử dụng mà không có sự đánh giá, chỉnh liều của bác sĩ tim mạch có thể dẫn đến ngộ độc, loạn nhịp tim, dùng quá liều có thể gây ngừng tim.

- Thuốc hạ huyết áp: Nếu dùng không đúng cách, quá liều có thể gây tụt huyết áp, chóng mặt, buồn nôn, hay nguy hiểm hơn là dẫn đến ngất.

- Thuốc chống đông máu dùng trong một số bệnh tim mạch ( bệnh rung nhĩ, bệnh nhân có bệnh van tim vừa đến nặng, đã được thay van nhân tạo, bệnh nhồi máu cơ tim, sau đặt stent hay bệnh mạch vành...): Nếu không được bác sĩ theo dõi thường xuyên có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não hay các phủ tạng khác.

Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch phải có chỉ định, theo dõi của bác sĩ

Chỉ có bác sĩ mới nắm vững các tính năng của thuốc, cũng như qua khám và tư vấn bệnh mới đưa ra được phác đồ cụ thể cho từng bệnh nhân. Ví dụ, đối với bệnh tăng huyết áp sự lựa chọn thuốc hạ huyết áp sẽ tùy thuộc vào: yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan đích hay không (như suy tim, suy thận, dày thất trái...), có kèm bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường không?... Đặc biệt, đối với việc dùng thuốc hạ huyết áp trước hết cần dùng 1 loại thuốc với liều thấp ban đầu và tăng liều dần dần. Nếu không kiểm soát tốt huyêt áp, mới kết hợp 2 loại thuốc. Nếu thuốc lựa chọn đầu tiên kiểm soát huyết áp kém và nhiều tác dụng phụ thì đổi sang nhóm thuốc khác, lúc đó không cần tăng liều hoặc kết hợp loại thuốc thứ hai nữa.

2. Không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ

Nhiều người bị thiếu máu cơ tim gây cơn đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp, sau một thời gian dùng thuốc, các triệu chứng không còn nữa. Họ cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim mà các triệu chứng không còn là do tác dụng giãn mạch của thuốc, làm mạch vành giãn ra và lượng máu cấp cho tim nhiều hơn, khi hết thuốc mạch vành trở về bình thường và cơn đau lại xuất hiện. Vì vậy, bạn cần dùng thuốc duy trì với liều dùng thích hợp mà không tự ý ngưng dùng. Nếu được, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ thay thế các loại thuốc phù hợp hơn khi bệnh đã ổn định. Thông thường, bác sĩ không cho ngưng thuốc mà có thể điều chỉnh chế độ dùng thuốc của bạn.

3. Không tự ý đổi thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch

Lấy trường hợp một bệnh tim mạch phổ biến là tăng huyết áp. Thuốc hạ huyết áp có nhiều loại (hiện có 7 nhóm thuốc và mỗi nhóm có nhiều loại thuốc) nên vấn đề sử dụng khá phức tạp. Chỉ bác sĩ có kiến thức về từng loại thuốc, phù hợp với từng tình trạng bệnh của người bệnh mới có thể chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, bác sĩ sẽ là người quyết định có nên thay đổi thuốc bấy lâu nay bằng một loại thuốc mới hay không. Mọi sự thay đổi về dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ, bệnh nhân không được tự ý thay đổi thuốc đang sử dụng vì việc làm này rất nguy hiểm, có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm, hơn nữa còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng

                                           Nguồn: bacsitimmach.com.vn

43.8- Lựa chọn các bài thuốc nam hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch hợp lý và hiệu quả

1.  Đan sâm giảm các cơn đau thắt ngực

Đan sâm là loại cây cỏ sống lâu năm, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết. Rễ đan sâm phơi khô có tác dụng đặc hiệu trong chữa trị động mạch vành, các cơn đau thắt ngực và được sử dụng để điều trị tai biến mạch máu não.

2. Tam thất chữa động mạch vành

Tam thất có vị đắng ngọt, tính ôn, có tác dụng hoạt huyết,tiêu ứ huyết, giảm đau,giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, … Chất noto ginsenosid trong tam thất bảo vệ tim chống lại các tác nhân gây loạn nhịp, giãn mạch và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Bài thuốc:

Bột tam thất                          1,5g

Bột ngọc trai                         0,3g

Bột xuyên bối mẫu                 3g.

Uống ngày 2 lần, liên tục tới khỏi.

Lưu ý: Với những người bị nóng trong, hay đổ máu cam thì nên chú ý liều lượng sử dụng tam thất. Nên đến các cơ sở khám Đông y để được kê đúng liều lượng.

Đặc biệt, bài thuốc kết hợp giữa đan sâm và tam thất rất hiệu quả trong điều trị bệnh tim mạch.

3. Cây dừa cạn chữa cao huyết áp

Trong dân gian thường dùng cây dừa cạn để chữa cao huyết áp. Dừa cạn hay hải đằng, dương giác, bông dừa, hoa tứ quý là một loài thực vật trong chi Catharanthus thuộc họ La bố ma.

Dừa cạn có vị đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, an thần, lợi tiểu.Có thể sử dụng riêng dừa cạn hoặc kết hợp với một vài vị thuốc khác để chữa bệnh cao huyết áp.

Bài thuốc: Hoa dừa cạn 6g (nên chọn hoa trắng ), hoa cúc (có thể thay bằng nụ hoa hòe) 10g, hãm với nước sôi uống trong bình kín 20 phút, uống thay trà trong ngày.

Lưu ý: Không dùng dừa cạn cho thai phụ và những người huyết áp thấp.

4. Dong riềng chữa các bệnh tim mạch

Dong riềng đỏ giống lá dong, thân đỏ như mía dò, củ nhơn nhớt. Tiếng Nùng Cao Bằng gọi là cây Slim khỏn (tim đập rộn, khốn); Lạng sơn gọi là Slim tàu tẳng (tim đập nhanh liên hồi), tiếng Dao gọi là Si mun (đau tim); tiếng kinh gọi là cây Dong riềng đỏ. Dong riềng đỏ là cây thuốc mới chưa có trong Dược điển, được bác sỹ Hoàng Sầm, người dân tộc Dao (Mán), hiện là Chủ tịch Hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam nghiên cứu từ năm 2002 đến nay.

Tác dụng: vừa chữa suy tim; hạ huyết áp; điều hoà nhịp tim; giãn vi mạch vành; giảm đau ngực nhanh; làm sạch lòng mạch vành và vừa an thần.

Bài thuốc: Dong riềng đỏ (bất kể là lá, hay thân hoặc củ đã sao thơm): 40g + 01 quả tim lợn.

Cách dùng: cho Dong riềng đỏ và tim lợn (bổ đôi) vào nồi đun sôi cho đến khi quả tim chín, để nguội rồi dùng cả nước và tim. Thông thường dùng lần đầu tiên bệnh nhân sẽ thấy đỡ đến 50%, người nặng thì dùng bài thuốc này đến lần thứ 3 sẽ thấy nhẹ hẳn như không mắc bệnh. Duy trì ăn mỗi tuần 01 quả, sau 01 tháng sẽ ổn định.

Lưu ý: Dùng được cho tất cả các chứng bệnh về tim mạch.                              

                                                                          (Cao Sơn)         

5. Bài thuốc "kỳ diệu" hết tắc nghẽn mạch máu, ngừa bệnh tim mạch nên có trong mọi gia đình

Bí quyết nằm ở một cốc giấm táo, một cốc nước gừng, cốc mật ong, cốc nước chanh và cốc nước tỏi ép.

Đem hỗn hợp nước gừng, nước tỏi đổ vào nồi (đất). Đổ thêm nước chanh và giấm táo. Nổi lửa to, đun cho đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, đun liu riu. Không cần đậy nắp nồi để nước bay hơi hết. Đun nhỏ lửa đến khi còn một nửa tắt bếp.

Đợi cho nhiệt độ thuốc nguội đi thì đổ mật ong vào, khuấy đều. Đổ mật ong vào chủ yếu là dễ uống, cho nên cho bao nhiêu là tùy khẩu vị của mỗi người.

Sau đó cho hỗ hợp này vào bình thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh.

Mỗi ngày, trước khi ăn sáng thì ăn một thìa canh. Bài thuốc này không chỉ dành cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch, mỡ máu mà người bình thường cũng có thể dùng để phòng các bệnh khác.

6. Thuốc nam trị bệnh suy tim

Với những bệnh nhân thường xuyên hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, hụt hơi, sắc mặt nhợt nhạt thì chuẩn bị: 15g đằng sâm, 20g hoàng kì, 5g chích cam thảo, 12g táo nhân, 12 g phục trần, 10g viễn chi, 15g bạch truật, 20g đương quy, 15g long nhãn, 6g mộc hương. Sắc uống hàng ngày, 3 bát lấy 1 bát ngày uống 2 lần trước bữa ăn.

Bệnh nhân suy tim thấy khó thở, khó ngủ, miệng khát, họng khô, tai ù, chất lưỡi đỏ, gò má đỏ tì lấy 12g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g thiên đông, 15g đan sâm, 12g mạch đông, 12g đương quy, 12g táo nhân, 12g cát cảnh, 12g ngọc trúc, 12g bá tử nhân, 5g ngũ vĩ tử sắc uống ngày 1 thang, uống 2 lần trong ngày.

Mệt mỏi, vô lực, nhịp tim bất thường, hen suyễn, khó nằm khó thở, môi và đầu ngón tay tím thì dùng đương quy 15g, hoa hồng 6g, đào nhân 15g, long cốt 15g, mẫu lệ 15g, quế chi 10g, đan sâm 15g, uất kim 10g, xuyên khung 10g, cam thảo 5g, diên hồ sách 12g sắc uống hàng ngày. Sắc 700ml nước lấy 200ml, uống 2 lần/ngày.

Bệnh nhân bị phù thũng toàn thân, sụt cân, chán ăn, mạch trầm, tim đập nhanh, rêu lưỡi trắng thì cho vào nồi 750ml nước, cho thêm phụ tử chế 6g, tang bạch bì 12g, bạch truật 15g, sinh khương 5 lát, trạch tả 15g, bạch thược 15g, sa tiền tử 15g, phục linh 20g, quế chi 10g sắc uống. Đun tới khi còn 250ml thì đổ ra bát, để ấm uống ngày 3 lần.

Những bài thuốc nam điều trị suy tim ở trên sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe cũng như lấy lại tinh thần. Ngoài ra, để quá trình chữa trị bệnh hiệu quả, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng, lao động nghỉ ngơi hợp lý với tình trạng thể lực của bản thân.

8. Cây thuốc nam chữa bệnh tim

Các loại cây cỏ có trong tự nhiên như tam thất, cây bạch quả, cây dâm bụt, cây đan sâm… được các chuyên gia thuốc nam chứng minh là có tác dụng giúp điều hòa khí huyết, cân bằng những chuyển hóa trong cơ thể, ổn định nhịp tim, tăng sức đề kháng giúp chống chọi lại bệnh tật.

Dưới đây là những cây thuốc nam chữa bệnh tim mạch, bạn đọc có thể tham khảo để áp dụng trong việc điều trị các bệnh lý về tim mạch:

Tam thất

Theo Đông y, tam thất có vị ngọt hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hóa ứ, cầm máu, tiêu sưng, giảm đau. Tam thất còn có tác dụng bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây rối loạn nhịp. Chất noto ginsenosid có trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu ôxy, ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch, hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra… Đây là vị thuốc nam có tác dụng bảo vệ và chữa bệnh tim mạch hiệu quả.

Cây bạch quả

Cây bạch quả có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, rất tốt cho việc điều hoà khí huyết trong cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch. Các bộ phận được sử dụng làm thuốc chữa bệnh là lá, quả và nhân. Theo Y học cổ truyền, bạch quả ăn chín  ích khí, ích phổi, tiêu đờm, trị ho hen… Bạch quả cũng được dùng dưới dạng cao để chữa các chứng bệnh như kém trí nhớ, cáu gắt ở người cao tuổi, chứng ngủ gà do thuốc tác dụng trên vi tuần hoàn…

Cây dâm bụt

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây dâm bụt có tác dụng tốt cho hệ tim mạch giống như rượu vang đỏ và trà. Cây dâm bụt chứa các chất chống oxi hóa có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ bị bệnh tim.

Trong y học cổ truyền, cây dâm bụt được sử dụng để chữa cao huyết áp và rối loạn gan, sử dụng làm nước uống phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Các nhà khoa học đã thí nghiệm tác dụng của chất chiết xuất từ cây dâm bụt trên cơ thể chuột. Họ nhận thấy khi được tiêm chất chiết xuất, lượng cholesterol trong máu chuột đã giảm đáng kể.

Cây đan sâm

Đan sâm có tác dụng chữa trị sự rối loạn tuần hoàn tim và não. Loại thảo dược này còn hiệu nghiệm trong điều trị chứng hồi hộp, đau nhói và thắt ngực, mất ngủ, vàng da và có tác dụng an thai.

– Giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch và tĩnh mạch nhỏ, mao mạch, tăng tuần hoàn vi mạch.

– Giảm mức độ nhồi máu cơ tim. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat, trong đó tanshinon II là một hoạt chất của đan sâm, vào động mạch vành sẽ làm giảm nhồi máu cơ tim cấp tính. Kích thước vùng thiếu máu mất đi hoặc giảm đáng kể.

– Bảo vệ cơ tim, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy…

  VUI MỘT TÝ -  TRÁI TIM CÓ CHÂN

Trong kỳ thi vẽ tự do, có tác phẩm lạ. Cô giáo đưa bức ảnh và hỏi:

        - Thu Hiền, em cho cô biết nguồn cảm hứng nào để em vẽ bức tranh này?

        - Thưa cô, thỉnh thoảng em nghe bố em nói “Trái tim của anh ơi, dạng chân ra”…ạ!

 Cô giáo mỉm cười, học sinh lao xao. Thế này thì botay.com mất, lộ hết bí mật!

Đường liên kết của video

https://youtu.be/MMFrG6fzPSA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đàn ông có thể làm 4 việc này sau 65 tuổi chứng tỏ có sức khỏe tốt

  (VTC News) -  Nếu một người đàn ông trên 65 tuổi có thể làm được 4 điều dưới đây, chứng tỏ thể chất họ tương đối tốt, ít có khả năng mắc...