ĐAN MẠNH HÙNG - BLOG CỦA TÔI: Tán sỏi thận qua da google.com, pub-8014824857981847, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Tán sỏi thận qua da

 Tán sỏi qua da được xem là phương pháp ưu việt trong điều trị sỏi thận, với nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, ít biến chứng, người bệnh nhanh hồi phục.

Bác sĩ Chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt, Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, tán sỏi thận qua da là phương pháp phù hợp với người bệnh có sỏi thận kích thước lớn, trên 2cm, không thể đào thải tự nhiên qua đường bài tiết. Ở một số trường hợp, tán sỏi qua da được áp dụng khi những phương pháp khác như tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL) đã thất bại.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sạch sỏi của phương pháp tán sỏi qua da lên đến 90% và rất ít biến chứng. Quan trọng hơn nữa là thủ thuật này tuân thủ nguyên tắc ít xâm lấn. Phẫu thuật viên rạch da khoảng 6mm tạo thành một đường hầm nhỏ từ bên ngoài vào để đưa ống nội soi vào thận tiếp cận với viên sỏi. Sau đó bác sĩ dùng năng lượng laser tác động phá vỡ viên sỏi. Sau khi được tán thành những mảnh nhỏ, sỏi sẽ được hút ra ngoài qua đường hầm mà bác sĩ đã tạo.

Tán sỏi thận qua da là phương pháp phù hợp với người bệnh có sỏi thận kích thước lớn. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Tiến Đạt cho biết, so với phương pháp mổ mở, tán sỏi thận qua da mang đến những ưu điểm vượt trội như ít biến chứng, giảm đau, hạn chế chảy máu, không cần phải truyền máu, ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ, giảm nguy cơ xơ dính vùng hông lưng... Nhờ đó, việc chăm sóc được rút ngắn, người bệnh nhanh phục hồi. Nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi cao ở tay nghề của phẫu thuật viên và trang thiết bị phục vụ cho việc tán sỏi.

Trước khi tán sỏi thận qua da, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm tiền phẫu như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu... để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng của đường tiết niệu hoặc các vấn đề khác. Đồng thời, người bệnh cũng được chỉ định chụp niệu đồ có thuốc cản quang, chụp cắt lớp vi tính (CT)... nhằm xác định chính xác vị trí sỏi trong thận.

Khi tán sỏi thận qua da, người bệnh sẽ được gây mê. Để tránh tương tác thuốc, bác sĩ cần biết người bệnh đang dùng thuốc gì và có thể chỉ định ngừng trước khi phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng đường tiểu trước phẫu thuật mà bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho người bệnh sử dụng trước để giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết.

Sau phẫu thuật 1-2 ngày, người bệnh đã có thể xuất viện. Một tuần sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể trở lại với các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh di chuyển nhẹ nhàng, không nâng, đẩy hay kéo vật nặng trong khoảng 2-4 tuần để vết thương lành hẳn.

Bác sĩ Phan Huỳnh Tiến Đạt trong phòng mổ của Trung tâm Tiết niệu Thận học - BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Vết mổ tán sỏi rất nhỏ, việc chăm sóc không quá phức tạp, nhưng người bệnh cũng cần lưu ý một số dấu hiệu nguy hiểm. Nếu tiểu ra máu tươi hoặc các cục máu đông, ớn lạnh, sốt cao... nên liên lạc ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn, xử lý khẩn cấp các dấu hiệu nhiễm trùng.

Theo Bác sĩ Phan Huỳnh Tiến Đạt, tương tự như các phương pháp khác, tán sỏi thận qua da cũng có những nhược điểm nhất định, phổ biến nhất là chảy máu từ thận và nhiễm trùng huyết. Nếu không đáp ứng kháng sinh hoặc đáp ứng kém, người bệnh có thể tử vong. Một số biến chứng khác là tổn thương các cơ quan lân cận của thận như ruột, gan, lá lách, phổi hay thủng bể thận, thủng niệu quản... do quá trình tạo đường hầm vào thận gây nên.

Tuy nhiên, so với mổ mở, tán sỏi thận qua da vẫn là một trong những phương pháp ưu việt. Người bị sỏi thận nên đến các bệnh viện chuyên khoa tiết niệu với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình khám chữa bệnh chuyên nghiệp để được thăm khám, thực hiện thủ thuật nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, bác sĩ Tiến Đạt lưu ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét