Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Hạ đường huyết đột ngột

 Hạ đường huyết gây chóng mặt, đổ mồ hôi, bủn rủn tay chân…, có thể uống nước đường, nếu lượng đường trong máu không trở lại bình thường cần cấp cứu.

Ở người trưởng thành, mức đường huyết thấp khi dưới 3,9 mmol/L (70 mg/dL), nếu xuống mức dưới 2,8 mmol/L (50 mg/dL) rất nguy hiểm cần cấp cứu. Nếu không cấp cứu, người bệnh có nguy cơ tổn thương não. Mức đường huyết của người đái tháo đường thấp nhất là 4,0 mmol/L. Hạ đường huyết có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính, tuy nhiên, có một số tình trạng đáng lo ngại như biến chứng não gây rối loạn tri giác, tổn thương não vĩnh viễn.

Nguyên nhân

BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP HCM cho biết, hạ đường huyết được chia ra 2 nguyên nhân ở 2 nhóm đối tượng khác nhau:

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường: Dùng insulin là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hạ glucose trong máu. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều các loại thuốc điều trị thuộc nhóm sulfonylurea (như amaryl, glyburide, glipizide) kích thích tuyến tụy tiết quá nhiều insulin gây hạ đường huyết. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ hạ đường huyết nếu có các yếu tố như tiểu đường lâu năm, cao tuổi, ăn ít nhưng hoạt động quá sức, uống rượu, nhịn ăn, gặp các vấn đề về thận và tuyến thượng thận...

Hạ đường huyết ở người bình thường: Không ăn uống, nhịn đói kéo dài, uống rượu nhiều, vận động quá sức... có thể dẫn đến hạ đường huyết.

Triệu chứng

Lượng đường trong máu của mỗi người tăng và giảm tự nhiên trong một ngày. Thông thường, đường trong máu tăng lên sau ăn và giảm xuống khi hoạt động thể chất hoặc khi đói. Các triệu chứng ban đầu khi đường huyết trong máu thấp bao gồm đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, bủn rủn tay chân, dễ cáu gắt, dễ lo lắng, ủ rũ, đói, mệt, choáng váng...

Người bị hạ đường huyết thường đau đầu, run tay chân. Ảnh: Shutterstock© Được VnExpress cung cấp

Hạ đường huyết trong thời gian dài có thể nguy hiểm, dễ biến chứng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng bao gồm chóng mặt, co giật, ngất xỉu, mất ý thức... Nếu đường huyết hạ thấp trong lúc ngủ, người bệnh có thể gặp ác mộng, mệt mỏi hoặc lú lẫn khi thức dậy, đổ nhiều mồ hôi. Có một số người không có các triệu chứng điển hình của hạ đường huyết. Đây là tình trạng không nhận biết được đường huyết và nó thường xảy ra khi người bệnh mắc tiểu đường lâu năm hoặc người thường xuyên hạ đường huyết.

Các dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể thay đổi nhanh chóng ở mức độ nhẹ đến nặng như khóc bất thường, giảm bú, bồn chồn, cáu kỉnh, xanh xao, tím tái, hạ thân nhiệt. Các triệu chứng nặng như hôn mê, thở nhanh, huyết động không ổn định, ngừng thở, co giật, thậm chí ngưng tim.

Nếu một người nghi ngờ hạ đường huyết cần được sơ cứu kịp thời càng sớm càng tốt. Hạ đường huyết trong lao động rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến chuyển động, khả năng suy nghĩ, gây tai nạn nguy hiểm, nhất khi đang lái xe.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện tình trạng này.

Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng điển hình như mệt mỏi đột ngột, đói cồn cào, chóng mặt, đau đầu, lo âu, hốt hoảng, kích động, nhịp tim nhanh... Với người bệnh bị hôn mê do hạ đường huyết, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ tầm soát các dấu hiệu đi kèm như dấu hiệu thần kinh khu trú babinski cả hai bên, phản xạ gân xương hoặc co giật toàn thân, cục bộ...

Chẩn đoán cận lâm sàng: Với phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm glucose máu mao mạch và xét nghiệm glucose huyết tĩnh mạch. Chỉ số đường trong máu ở người bình thường là 3,9-5,6 mmol/L (70-100mg/dL). Chỉ số hạ đường huyết dưới 3,9 mmol/L. Chỉ số đường huyết dưới 2,8 mmol/L (50 mg/dL) xuất hiện các triệu chứng nặng.

Cách cấp cứu

Bác sĩ Mười Một chia sẻ thêm, khi nhận thấy bạn bè, người thân có các dấu hiệu của hạ đường huyết, bạn có thể thực hiện các bước sơ cấp cứu sau:

Dừng tất cả các thuốc điều trị tiểu đường nếu nghi ngờ ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Bạn có thể cho bệnh nhân uống nước đường, với bệnh nhân hôn mê không thể uống cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để được thăm khám, đánh giá nguy cơ biến chứng và đưa ra phương pháp điều trị.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm đo chỉ số đường huyết, xác định nguyên nhân, truyền glucose tĩnh mạch, theo dõi và kiểm tra đường máu mao mạch từ 15-30 phút sau khi tiêm hay truyền glucose. Trong trường hợp đã được bù đường nhưng người bệnh vẫn có các triệu chứng của hạ đường huyết, bác sĩ sẽ tiếp tục tìm ra nguyên nhân về một số bệnh lý khác gây hạ đường huyết.

Khi bệnh nhân tỉnh lại có thể cho uống nước hoa quả ngọt như nho, táo... hoặc ăn nhẹ để duy trì nồng độ glucose trong máu. Dù thấy sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, nhưng vẫn cần theo dõi và kiểm tra lại đường máu mao mạch mỗi giờ đến khi lượng đường huyết ổn định. Với trẻ sơ sinh, khi nhận thấy các triệu chứng của hạ đường huyết, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được điều trị bằng cách truyền glucose IV.

Phòng ngừa

Tình trạng hạ đường huyết rất dễ gặp và tiến triển nhanh. Ngoài việc điều trị bệnh kịp thời, người bệnh và người nhà cần còn biết cách ngừa hạ đường huyết và kiểm soát đường huyết tốt như sau:

Chế độ ăn uống, luyện tập: Ăn uống khoa học, đúng bữa, đủ lượng đường và tinh bột trong ngày. Người bệnh có thể ăn nhẹ trước khi tập thể dục nhằm tránh cơ thể hoạt động quá sức hay cơ thể không cung cấp đủ lượng đường. Bạn có thể dùng các bữa ăn phụ khi nhận thấy có các triệu chứng của hạ đường huyết như mệt mỏi, tay chân bủn rủn... Trữ sẵn các loại bánh kẹo, đồ ăn nhẹ bên người giúp phòng khi đường huyết tụt bất ngờ.

Đo lường, theo dõi lượng đường trong máu: Người bệnh tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra đường huyết và dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc uống hay ngưng dùng thuốc.

                              Đinh Tiên

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Bệnh gout ảnh hưởng thế nào đến tim, thận, mắt?

 Không chỉ ảnh hưởng đến các khớp, sự tích tụ axit uric trong cơ thể của người bị gout còn có thể dẫn đến biến chứng liên quan đến thận, tim mạch và thị lực.

Axit uric tích tụ trong cơ thể sẽ đẫn đến hình thành các tinh thể urat tích tụ trong khớp hoặc các mô lên kết gây ra tình trạng đau. Tình trạng viêm này có thể gây ra những tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể nếu không được điều trị sớm.

Ảnh hưởng đến thận

Sự tích tụ của axit uric có thể gây ra các vấn đề về suy giảm chức năng thận hoặc suy thận. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, người mắc bệnh gout có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn 78% người bình thường. Nguyên cứu cũng ghi nhận cứ 4 người bị gout sẽ có một người gặp các vấn đề tổn thương liên quan đến thận.

Người mắc bệnh gout cũng có nguy cao bị sỏi thận do các tinh thể urat lắng đọng trong các cơ quan và làm tắc nghẽn đường tiết niệu. Ước tính, cứ 5 người bị sỏi thận thì có một người có liên quan đến gout.

Người bị gout có thể gặp biến chứng liên quan đến thận, tim mạch, huyết áp... Ảnh: healthsite

Ảnh hưởng đến tim

Người bị gout cũng có thể mắc cao huyết áp, bệnh động mạch vành hoặc suy tim. Gout không tấn công trực tiếp vào tim nhưng các tinh thể urat tích tụ gây viêm và có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông, lâu ngày dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh gout làm gia tăng gấp đôi nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Ảnh hưởng đến thị lực

Các tinh thể urat và tình trạng viêm kéo dài do gout có thể dẫn đến các biến chứng về thị lực. Một số biến chứng có thể gặp như hình thành các hạt tophi ở mí mắt, giác mạc, mống mắt; hội chứng khô mắt, viêm màng bồ đào; tăng nhãn áp; và đục thuỷ tinh thể, giảm thị lực.

Bệnh tiểu đường

Một số thống kê cho thấy, gout có liên quan đến khả năng mắc tiểu đường và ngược lại. Phụ nữ bị gout có khả năng mắc tiểu đường type 2 cao hơn 71%. Đối với nam giới, gout làm tăng 22% nguy cơ mắc tiểu đường. Theo các chuyên gia, tình trạng viêm của gout làm tăng nguy cơ mắc bệnh kèm theo đó là các rối loạn phổ biến khác như thừa cân, cao huyết áp...

Trầm cảm

Một số nghiên cứu về mặt tâm thần thống kê, những người trên 65 tuổi bị gout có nguy cơ trầm cảm cơ hơn 42% so với người không mắc. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng viêm kéo dài do gout có tác động một phần nào đó đến sức khoẻ tâm thần và gây ra trầm cảm.

Theo các chuyên gia, việc hạ thấp nồng độ axit uric là bước kiểm soát quan trọng với các biến chứng của gout. Bác sĩ điều trị thường sẽ kê đơn thuốc có tác dụng làm giảm cường độ, thời gian của các cơn gout, đồng thời phá vỡ sự tích tụ của các tinh thể urat.

Ngoài ra, người bệnh nên chủ động thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống để kiểm soát axit uric tốt hơn. Tránh sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin có trong hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, uống đủ nước, tích cực vận động và duy trì cân nặng khoẻ mạnh.

                         https://vnexpress.net/

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

4 loại thực phẩm hại não không nên ăn nhiều sau 50 tuổi

 HẠ MÂY (THEO SECRETCHINA)  -  Thứ sáu, 05/08/2022 11:21 (GMT+7)

Tuổi 50 là giai đoạn then chốt vô cùng quan trọng trong cuộc đời chúng ta, cũng là giai đoạn có nguy cơ cao mắc bệnh tật bất ngờ. Sức khỏe của não liên quan mật thiết đến thói quen sống hằng ngày của chúng ta và nhiều vấn đề về não thường do chế độ ăn uống gây ra. Dưới đây là những loại thực phẩm hại não không nên ăn nhiều sau 50 tuổi.

1. Đồ chua

Người lớn tuổi do vị giác có thể bị suy giảm nên thường thích ăn đồ chua như dưa muối, nhưng ăn quá nhiều muối lâu ngày sẽ gây tổn thương mạch máu, không có lợi cho sự ổn định và cân bằng của huyết áp. Điều này sẽ làm cho huyết áp dao động quá mức làm tăng nguy cơ nhồi máu não.

Đồng thời, trong quá trình ngâm thực phẩm thường cho thêm nhiều loại gia vị khác nhau, qua hàng loạt quy trình sản xuất sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của rau, nếu ngâm quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng rất lớn.

2. Thực phẩm chứa kim loại nặng

Thực phẩm có kim loại nặng không hiếm gặp trong cuộc sống, chẳng hạn như trứng bảo quản, hải sản, nội tạng động vật… có thể chứa kim loại nặng. Hấp thụ lâu dài các kim loại nặng như nhôm và chì có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến sức khỏe của não bộ.

3. Thực phẩm quá nhiều đường

Vị giác của hầu hết người cao tuổi sẽ suy giảm dần nên nhiều người cao tuổi rất thích ăn đồ ngọt, tuy nhiên ăn đồ ngọt lại rất kích thích não bộ. 

Bộ não của chúng ta có nhu cầu khẩn cấp về đường, không giống như các cơ quan khác, nó có khả năng dự trữ đường, dựa vào lượng đường kịp thời trong máu của chúng ta để hoạt động mọi lúc, mọi nơi. Nếu không cẩn thận sẽ tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây giảm thị lực, làm giảm hoạt động và ảnh hưởng đến não.

4. Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao

Các nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện ra rằng những người có hàm lượng cholesterol cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn người bình thường ít nhất là 3 lần.

Ngoài ra, sau khi già đi, khả năng hấp thụ và phân hủy cholesterol của cơ thể sẽ bị suy yếu, nếu tiếp tục tiêu thụ các chất có hàm lượng cholesterol cao có thể dẫn đến phát sinh các bệnh mỡ máu cao và gây ra bệnh Alzheimer.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ăn gì để tránh mất trí nhớ khi già?

 Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều flavonol, nhóm chất chống oxy hóa có trong các loại rau, trái cây, trà và rượu vang giúp làm chậm tốc độ suy giảm trí nhớ.

Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Neurology, các chuyên gia cho biết những người ăn nhiều flavonol có mức độ giảm trí nhớ sau mỗi thập kỷ chậm hơn so với những người tiêu thụ ít chất này. Kết quả không đổi sau khi đã xét đến những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến trí nhớ như tuổi tác, giới tính, thói quen hút thuốc.

Theo tiến sĩ David Katz, chuyên gia về y học dự phòng và lối sống và dinh dưỡng, flavonol có tác dụng bảo vệ tế bào, trong đó có tế bào thần kinh. Vì vậy, thực phẩm chứa chất này sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức. Như vậy, việc ăn nhiều trái cây và rau tốt cho não cũng như các cơ quan khác trong cơ thể.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe não bộ. Những điều đơn giản như ăn nhiều trái cây và rau, uống nhiều trà hơn có thể giúp mọi người duy trì trí nhớ", Thomas Holland, giảng viên Trung tâm Y tế Đại học Rush, tác giả nghiên cứu, cho biết, hôm 28/11.

Thực vật chứa hơn 5.000 hợp chất flavonoid, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tế bào, chống lại áp lực môi trường và thu hút côn trùng thụ phấn. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy flavonoid giúp giảm viêm - nguyên nhân chính gây ra các bệnh mạn tính, là nguồn giàu chất chống oxy hóa. Theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia, chất chống oxy hóa có thể kháng gốc tự do, được hình thành tự nhiên khi tập thể dục và khi cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng.

Quercetin, một trong những flavonol phổ biến nhất, có thể làm giảm tình trạng khởi phát ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư khác. Hành tây là thực phẩm chứa hàm lượng quercetin cao nhất, tiếp đến là bông cải xanh, quả việt quất, súp lơ trắng, cải xoăn, tỏi tây, rau chân vịt và dâu tây.

Hành tây và một số loại rau củ quả khác có chứa lượng lớn flavonol. Ảnh: Adobe Stock© Được VnExpress cung cấp

Một loại flavonol phổ biến khác là kaempferol, có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, bảo vệ những tế bào khỏe mạnh. Các nguồn giàu kaempferol gồm hành tây, măng tây và quả mọng.

Chất phổ biến thứ ba là myricetin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm tau - một loại protein gây ra các rối loạn đặc trưng của bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ khác. Rau chân vịt, dâu tây, mật ong, nho và các loại trái cây chứa hàm lượng myricetin cao.

Để so sánh độ hiệu quả giữa các flavonol, chuyên gia đã yêu cầu 960 tình nguyện viên, độ tuổi trung bình là 81, không có dấu hiệu sa sút trí tuệ điền vào khảo sát về chế độ ăn uống trong vòng 7 năm. Họ cũng trải qua các bài kiểm tra nhận thức và trí nhớ hàng năm về thói quen hoạt động thể chất.

Tình nguyện viên được chia thành các nhóm dựa trên lượng flavonol tiêu thụ hàng ngày. Nhóm thấp nhất ăn khoảng 5 mg, nhóm cao nhất ăn 15 mg mỗi ngày (tương đương với một cốc đầy rau xanh).

Các chuyên gia nhận ra rằng người ăn nhiều thực phẩm chứa kaempferol có tốc độ suy giảm nhận thức thấp nhất, tiếp theo là myricetin.

                            Thục Linh (Theo CNN)

 

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Gan "mê" nhất 4 loại rau xanh này

 Gan là cơ quan cực kỳ quan trọng trong cơ thể con người, chúng ta nên biết cách bảo vệ để gan không bị tổn thương.

Gan “mê” nhất 4 loại rau xanh này, nên ăn thường xuyên để bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho gan.

1.  Cải ngọt

Cải ngọt có chức năng bổ gan, giải độc, thanh nhiệt,… Ăn cải ngọt thường xuyên sẽ bảo vệ sức khỏe của gan. Vào mùa đông, cải ngọt rất tươi và mềm, mùi vị thơm ngon, bạn có thể dùng để nấu canh, nấu mì hay làm há cảo, đều là những cách ăn rất ngon.

2.  Xà lách

Xà lách chứa ít chất béo, calo và là nguồn chất xơ, vitamin phong phú, có thể góp phần làm giảm mức cholesterol. Hơn nữa, Vitamin E và Vitamin C có trong rau diếp có khả năng chống oxy hóa.

Ngoài ra, xà lách có tác dụng bảo vệ gan, bạn nên ăn thường xuyên. Ăn xà lách có thể giúp bảo vệ gan khỏi bị hư hại bằng cách khôi phục mức men gan và cải thiện hoạt động của gan. Chất chống oxy hóa trong xà lách có thể làm giảm thiệt hại do các gốc tự do gây ra và có thể bảo vệ gan.

Xà lách có thể dùng làm canh, xào, luộc, ăn sống,…

3.  Rau cải bó xôi

Ăn cải bó xôi thường xuyên có những lợi ích nhất định cho gan. Cải bó xôi có chất chống oxy hóa được gọi là glutathione giúp gan hoạt động bình thường.

Bạn có thể làm súp, xào, nấu mì, làm bánh,… tất cả đều rất ngon.

4.  Cần tây

Cần tây có tác dụng làm dịu gan, thanh nhiệt. Cần tây cải thiện chức năng gan bằng cách tăng sản xuất enzyme. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy, cần tây giúp giảm tích tụ chất béo trong gan. Các chất dinh dưỡng trong cần tây giúp gan sản xuất các enzym giúp đào thải chất béo và độc tố ra ngoài.

Bạn có thể làm cần tây chiên, bánh bao nhân cần tây, bánh hấp lá cần tây,….              Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

GÓC CHIÊM NGHIỆM

 1. Bốn điều làm nên giá trị một con người: Kiên trì, Chân thành, Trung thành, Chung thủy.

2. Ba điều trong đời làm hỏng một con người: Sự ích kỷ, Lòng tự cao, Sự giận dữ.

3. Ba điều trong đời một khi đã đi qua không thể lấy lại được: Thời gian, Lời nói, Cơ hội.

4. Ba điều trong đời không được đánh mất: Sự thanh thản, Hy vọng, Lòng trung thực.

5. Ba thứ có giá trị nhất trong đời: Tình yêu, Lòng tự tin, Bạn bè.

6. 3 thứ để càng lâu sẽ càng quý: Rượu, sách, những người bạn.

7. Ba điều làm nên giá trị một con người: Siêng năng, Chân thành, Thành đạt

8. Ba thứ trong đời không bao giờ bền vững được: Giấc mơ + Tài sản + Thành công

9. Phụ nữ có 3 điều cần ghi nhớ:

Không ngừng xinh đẹp;

Không ngừng học hỏi;

Không ngừng kiếm tiền.

10. Chúng ta cần nhớ:

Bạn sinh ra không phải để hài lòng tất cả mọi người. Hãy tiếp thu có chọn lọc, và luôn nhớ rằng: Cứ là mình tại sao phải xoắn.

- Nếu muốn đạt những thứ bạn chưa từng có, thì hãy dũng cảm làm những điều bạn chưa từng làm.

- Nếu bạn luôn tin vào những đường chỉ tay sẽ quyết định cuộc đời bạn, thì xin bạn hãy nhớ một điều rằng: Chúng cũng chỉ nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi.

- Cả đại dương chẳng thể làm đắm được con tàu, trừ khi nước ngập vào bên trong. Tương tự, những khó khăn thử thách cũng không thể đánh gục được bạn, trừ khi bạn cho chúng thấm vào mình.

- Thứ đắt giá nhất trên đời là lòng tin. Để có được nó, cần một thời gian nhất định, 1 năm, 2 năm hay có thể 10 năm và hơn thể nữa. Nhưng để đánh mất nó, chỉ cần một vài giây ngắn ngủi.

- Tiền xu luôn gây tiếng động, còn tiền giấy thì không. Vậy nên khi giá trị của bạn lên cao, hãy giữ cho mình sự khiêm nhường và ít nói lại.

- Thứ quý giá nhất trên cuộc đời này không phải tiền bạc hay địa vị. Mà chính là sức khỏe. Bởi vậy, bên cạnh công việc, hãy quan tâm đến sức khỏe, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

                       Sưu tầm Henrietta Harris

 

 

Đàn ông có thể làm 4 việc này sau 65 tuổi chứng tỏ có sức khỏe tốt

  (VTC News) -  Nếu một người đàn ông trên 65 tuổi có thể làm được 4 điều dưới đây, chứng tỏ thể chất họ tương đối tốt, ít có khả năng mắc...