ĐAN MẠNH HÙNG - BLOG CỦA TÔI google.com, pub-8014824857981847, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Thói quen đơn giản ngừa bệnh tim và đột quỵ

 Nghiên cứu cho thấy tập thể dục và ngủ trưa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Nghiên cứu do Đại học London (UCL) và Đại học Sydney thực hiện, công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu. Các chuyên gia cho biết tất cả các hoạt động thay thế việc ngồi một chỗ đều có thể giảm nguy cơ mắc hai căn bệnh về tim mạch.

Giấc ngủ ngon có thể giúp cải thiện chỉ số khối cơ thể và số đo vòng eo. Tuy nhiên, tập thể dục vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Thay vì ngồi một chỗ, hoạt động thường xuyên hơn vẫn là cách hiệu quả để giảm mức cholesterol, kiểm soát cân nặng.

Nghiên cứu có 15.000 tình nguyện viên từ 5 nước tham gia. Tất cả được đeo thiết bị đo mức độ hoạt động mỗi ngày. Các nhà khoa học nhận thấy thay thế 4-12 phút ngồi một chỗ bằng việc ngủ trưa hoặc hoạt động thể chất vừa phải có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe. Thay thế 30 phút ngồi bằng 30 phút tập thể dục tác động mạnh mẽ hơn, đặc biệt với những người có cân nặng vừa phải. 6 phút tập thể thao cũng làm giảm mức cholesterol, giảm lượng đường trong máu.

Các nhà khoa học đã phân cấp thói quen tốt cho sức khỏe. Đứng đầu danh sách là chạy bộ, đạp xe, đá bóng hoặc chơi quần vợt. Tiếp đến là tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn đi bộ hoặc dọn dẹp. Cuối cùng là ngủ trưa hoặc đứng tại chỗ.

Chạy bộ, đi bộ thay vì ngồi một chỗ là cách hiệu quả để giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Các tính toán cho thấy, đối với một phụ nữ 54 tuổi có chỉ số khối cơ thể trung bình là 26,5, việc thay thế 30 phút ngồi hoặc nằm hàng ngày bằng việc tập thể dục vừa phải hoặc cường độ cao giúp cải thiện 2,5 cm chiều cao, giảm chu vi vòng eo.

Theo tiến sĩ Jo Blodgett, Đại học London, những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cường độ vận động là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Trong khi đó, mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tim mạch phức tạp hơn. Ngủ trưa có lợi ích rõ rệt trong việc điều chỉnh chỉ số khối cơ thể, chu vi vòng eo, nhưng ít ảnh hưởng đến các chỉ số dựa trên máu như cholesterol, trigylceride hoặc lượng đường huyết.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Cách chữa mất ngủ không dùng thuốc

 Mất ngủ là tình trạng chung của nhiều người, không kể tuổi tác. Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là cách chữa mất ngủ không dùng thuốc.

Tổng quan về bệnh mất ngủ

Mất ngủ là tình trạng phổ biến, gây ra nhiều mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe của người bệnh. Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên thức dậy giữa đêm, thức dậy sớm vì không thể ngủ được,… là những vấn đề chủ yếu xảy ra ở những người bị mất ngủ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ như thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, các bệnh lý, sự thay đổi sinh lý trong cơ thể… Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh sẽ có những phương pháp khác nhau để điều trị như dùng thuốc, vật lý trị liệu, liệu pháp tâm lý.

Nhiều người khi gặp phải tình trạng mất ngủ thường ngay lập tức tìm đến các loại thuốc ngủ, thuốc an thần,… Tuy nhiên đa phần các loại thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời và nếu không sử dụng đúng cách có thể gây nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa…

Thực tế đã chứng minh không phải lúc nào bị mất ngủ cũng cần dùng đến thuốc.

Cách chữa mất ngủ không dùng thuốc

Tạo một thói quen ngủ hợp lý là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng này. Một số người nghĩ rằng, ngủ trễ khiến cơ thể dễ rơi vào giấc ngủ sâu hơn. Nhưng thực tế, đó là một sai lầm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: thời gian hợp lý để lên giường là 9 - 10h tối, cơ thể sẽ rơi vào giấc ngủ khoảng 1 - 2 tiếng sau đó.

Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày chính là giúp các cơ quan của bạn có đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ thải độc cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái. Với cách chữa mất ngủ không dùng thuốc này, lâu ngày cơ thể của bạn sẽ hình thành lịch ngủ cho bản thân một cách hợp lý và lành mạnh.

Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe© Được VTC cung cấp

Các phương pháp điều trị mất ngủ lâu năm

Ai cũng có thể mất ngủ vài lần trong đời nhưng với một số người thì lại mất ngủ thường xuyên, kéo dài. Hiện nay có nhiều cách điều trị mất ngủ được áp dụng, đó là:

"Vệ sinh" giấc ngủ: Đây là phương pháp có liên quan tới những hành vi và thực hành từ môi trường được khuyến khích thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Phương pháp sẽ giúp bạn có thể cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ hiệu quả như có thói quen đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định, giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi vào giấc ngủ, tạo thói quen nghe nhạc, đọc sách, massage hoặc ngâm chân nước ấm trước khi ngủ, có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, tập luyện các bài tập thư giãn đầu óc và cơ thể vào mỗi buổi tối….

Vật lý trị liệu: Phương pháp này được áp dụng khá phổ biến để cải thiện bệnh mất ngủ. Bạn có thể tham khảo các cách như:

- Điện phân dẫn thuốc an thần vào vùng trán – gáy

- Điện trường cao áp

- Ion tĩnh điện

Thư giãn: Bạn có thể áp dụng một số bài tập giúp thư giãn đơn giản cho hệ thần kinh như: ngồi thiền, tập yoga, luyện khí công, tập dưỡng sinh… đều có hiệu quả trong hỗ trợ chữa trị chứng mất ngủ.

Bổ sung các loại thức ăn giàu dưỡng chất: Có rất nhiều thực phẩm có lợi cho giấc ngủ như trà hoa cúc, các loại sinh tố hoa quả, bột yến mạch, thịt gà, nước mật ong ấm.

Dùng đông y (Y học cổ truyền): Sản phẩm chứa các vị thuốc đông y, theo bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ an thần, giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc, giảm căng thẳng. Những sản phẩm này an toàn khi được dùng đúng liều lượng.

Nên dùng khi mất ngủ nhẹ (khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hay mất ngủ giữa giấc và cuối giấc), mất ngủ cấp tính. Dùng kết hợp để giảm liều và tránh lạm dụng thuốc.

Chữa bệnh mất ngủ bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc an thần giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ là phương pháp được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, việc điều trị này cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, cách điều trị bằng thuốc có thể đem lại những tác dụng phụ không mong muốn nên khi sử dụng bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ và có chỉ định của bác sĩ.

Những thực phẩm tốt cho giấc ngủ

Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc như lúa mì, các loại đậu, vừng, bắp giúp bạn bổ sung lượng magie cần thiết để điều hòa hệ thần kinh, đảm bảo cho một giấc ngủ sâu. Thêm vào đó, các loại hạt cũng chứa các chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe.

Thịt đỏ

Việc thiếu sắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị mất ngủ. Trong khi đó, thịt đỏ lại chứa nhiều sắt. Bổ sung thịt đỏ trong các bữa ăn hàng ngày vì thế chính là cách chữa mất ngủ không dùng thuốc mà không phải ai cũng biết.

Thịt heo, thịt bò hay thịt dê là những loại thịt đỏ giúp tái tạo các tế bào hồng cầu, bổ sung lượng sắt bị thiếu hụt, tăng và điều hòa lượng máu lên não giúp bạn có một giấc ngủ chất lượng.

Mật ong

Khi bạn khó ngủ, hãy dùng một ly nước ấm pha với mật ong, dùng trước khi ngủ khoảng 30 phút. Mật ong sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn với hàm lượng tryptophan có trong nó giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng.

Trên đây là các cách chữa mất ngủ không dùng thuốc. Bạn hãy thử áp dụng ngay nhé.

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

4 điều lưu ý khi uống sữa chua ở người cao tuổi

                               HẠ MÂY (THEO ABOLUOWANG)

Người cao tuổi khi sử dụng sữa chua cần lưu ý một số điều. Ảnh: Nguyên Chân© Lao Động

Sữa chua là loại thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao, có thể làm tăng tiết natri qua nước tiểu và hạ huyết áp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, khi ăn sữa chua người cao tuổi cần lưu ý một số điều kẻo gây hại sức khỏe.

1.Không uống quá nhiều

Nhiều người cho rằng sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao và chứa lactobacillus acidophilus tốt cho sức khỏe nên cho rằng uống nhiều sẽ có lợi, không có hại.

Trên thực tế, uống quá nhiều sữa chua có thể gây ra tình trạng dư thừa tạm thời một số chất dinh dưỡng và có thể gây rối loạn chuyển hóa.

2.Không đun nóng

Lactobacillus acidophilus trong sữa chua là dưỡng chất vi khuẩn sống. Nếu đun nóng, sẽ khiến vi khuẩn có lợi mất đi tác dụng đối với sức khoẻ.

Chúng ta cũng không nên uống với nước sôi để tránh ảnh hưởng đến lactobacillus acidophilus hoặc làm giảm lợi ích của nó.

3.Không uống khi bụng đói

Sữa chua cũng giống như sữa, không nên uống khi bụng đói. Thời điểm tốt nhất để uống sữa chua là sau bữa ăn từ 30 phút đến 2 giờ, lúc này độ pH của dịch dạ dày tăng lên thích hợp cho sự tồn tại và phát triển của lactobacillus acidophilus.

4.Những người không thích hợp uống sữa chua

Sữa chua tuy có vị ngon và giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải ai cũng thích hợp uống sữa chua như bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa, bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc các bệnh về đường ruột khác.

Trong quá trình sản xuất sữa chua, sucrose được thêm vào làm chất tăng tốc quá trình lên men, đôi khi nhiều chất khác cũng được thêm vào để tạo hương vị. Vì vậy bệnh nhân đái tháo đường nên đặc biệt chú ý và những người bị dị ứng với sữa không nên uống sữa chua.


 

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

KHÓI HƯƠNG CÓ HẠI

 Người bệnh ung thư phổi có được thắp hương ngày Tết?

Tôi mắc bệnh ung thư phổi, đang hóa xạ trị. Nhiều người khuyên nên tránh hít khói hương ngày Tết, có đúng không bác sĩ? (Đức Thắng, Bến Tre)

Trả lời:

Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (Globocan), năm 2020, trên thế giới có hơn hai triệu ca mắc mới và hơn một triệu trường hợp tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai trong những loại ung thư thường gặp.

Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi là hút thuốc lá. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh như hít khói thuốc của người khác (hút thuốc lá thụ động), người làm nghề tiếp xúc trực tiếp với chất cách nhiệt thạch miên (amiăng), khí phóng xạ radon, các loại hydrocacbon vòng thơm, arsenic, kim loại nặng, ô nhiễm không khí.

Vào những ngày lễ Tết, thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, tại đền chùa là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt nói riêng và các nước Á Đông nói chung. Tuy nhiên, khói hương không có lợi cho sức khỏe, nhất là với người mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư...

Nhang thường được làm từ vỏ, rễ, nhựa, hoa và dầu của những cây có mùi thơm. Một số nghiên cứu cho thấy những nguyên liệu này có thể giải phóng các chất gây ung thư khi đốt cháy nhanh, như benzen và các hợp chất hydrocarbon cao phân tử. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC xác định đây là những chất có thể gây ung thư ở người.

Nhang đốt cháy giải phóng các chất không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Một số loại nhang được thêm nhiều vật liệu hóa chất như axit photphoric, benzen để tăng cường hương thơm, tăng khả năng đốt cháy. Các chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, chóng mặt, buồn nôn. Nếu cơ thể tiếp xúc các chất này lâu dài, hệ thần kinh, gan, thận dễ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các chất này có thể tấn công vào các vật chất di truyền, làm biến đổi tế bào và có khả năng gây đột biến gene dẫn tới ung thư. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa việc hít khói nhang trong thời gian dài và nguy cơ mắc ung thư.

Nếu gia đình bạn có người thân đang mắc bệnh ung thư phổi nói riêng và các loại ung thư nói chung nên hạn chế thắp hương trong không gian kín. Bạn có thể chọn các loại hương đảm bảo chất lượng, ít hóa chất và chế phẩm độc hại từ những cơ sở sản xuất uy tín để sử dụng trong các dịp lễ, Tết.

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh

Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

 

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

CÁCH ĂN THỊT GÀ KHÔNG LÀM TĂNG AXIT URIC

 

Cách chọn bộ phận và chế biến thịt gà có thể làm ảnh hưởng tới diễn biến bệnh gút. Đồ họa: Hồng Nhật© Lao Động

Thịt gà là loại thịt nạc có giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng khi bị bệnh gút, bạn cần cẩn thận về việc chọn ăn những bộ phận nào, trọng lượng và cách chế biến để không làm tăng axit uric.

Bệnh gút liên quan đến sự tích tụ axit uric trong cơ thể. Điều đó dẫn đến sự hình thành các tinh thể axit uric trong khớp, gây ra tình trạng viêm và đau đột ngột, cực độ.

Axit uric có nguồn gốc từ purin. Đó là những hóa chất có trong mọi tế bào của cơ thể bạn và trong nhiều loại thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy lượng purine dư thừa gây ra nồng độ axit uric cao (tăng axit uric máu) và bệnh gút. Tình trạng này có thể cực kỳ đau đớn và thậm chí gây tàn phế.

Giá trị dinh dưỡng của thịt gà

Thịt gà không gia vị là lựa chọn thực phẩm ít natri, không đường và tinh bột, giàu protein. Nó cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình trao đổi chất lành mạnh.

Không giống các loại thịt đỏ, thịt gia cầm và đặc biệt là ức gà không xương, không da đã trở thành nguồn protein động vật được những người muốn ăn uống lành mạnh hơn, giảm hoặc duy trì cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Duy trì cân nặng là một trong những điều chỉnh lối sống quan trọng nhất đối với những người mắc bệnh gút. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên chọn thịt gia cầm (và cá) không có da và chế biến chúng theo những cách lành mạnh. Điều đó có nghĩa là không thêm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt gà có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, cholesterol và huyết áp. Nhưng liệu thịt gà có an toàn khi bạn bị bệnh gút? Điều này phụ thuộc vào bộ phận và hàm lượng purine của nó.

Những bộ phận nên ăn

Giá trị dinh dưỡng cơ bản khác nhau giữa ức gà, đùi và cánh. Hàm lượng purine ở các bộ phận khác nhau cũng khác nhau.

Nếu bạn bị bệnh gút và tăng axit uric máu, điều quan trọng là phải xem xét loại và lượng purin bạn hấp thụ. Một trong những loại purin quan trọng nhất cần theo dõi là hypoxanthine.

Thịt gà chủ yếu là thực phẩm có hàm lượng purine vừa phải. Nhưng lượng purin trong các bộ phận cụ thể dao động từ thấp đến rất cao. Bạn nên tránh các loại nội tạng giàu purine như gan gà và chỉ ăn một lượng vừa phải các loại thịt có hàm lượng purine vừa phải.

Nhìn chung, các miếng thịt gà có hàm lượng purin từ thấp đến cao. Gan có nhiều nhất. Mông có ít nhất. Các purin adenine và hypoxanthine có mối liên hệ đáng kể với bệnh gút.

Cách chế biến

Bạn có thể giảm tổng hàm lượng purine trong con gà tiếp theo của mình bằng cách làm theo một số hướng dẫn nấu ăn thân thiện với bệnh gút.

Đầu tiên, loại bỏ da. Nó chứa thêm purin và chất béo không lành mạnh. Tiếp theo, nghiên cứu cho thấy rửa và nấu gà trong nước có thể làm giảm đáng kể tổng hàm lượng purine.

Nấu ăn nói chung, dù bằng nhiệt ẩm (đun sôi) hay nhiệt khô (nướng), đều có tác dụng tương tự đối với tổng hàm lượng purine. Nó làm tăng nhẹ adenine và guanine và giảm hypoxanthine.

Nấu ăn làm giảm hàm lượng purine trong thịt gà một phần vì chúng được giải phóng vào nước. Đây là lý do tại sao nước xốt hoặc món hầm và súp được dán nhãn giàu purine và nên tránh nếu bạn bị bệnh gút.

Nướng và chiên duy trì độ ẩm và hàm lượng purine. Hầm thịt có nghĩa là chất purin được giải phóng sẽ được hấp thụ vào món kho của bạn.

Các loại dầu, nước xốt, nước sốt bạn dùng để nêm và nấu gà cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh gút. Lựa chọn loại dầu thực vật chất lượng cao có đặc tính chống viêm. Chúng bao gồm dầu ô liu nguyên chất và dầu bơ.

Hàm lượng purine trong thịt gà cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và thời gian bảo quản. Nhiệt độ bảo quản thấp hơn và thời gian đông lạnh ngắn hơn có thể làm giảm hoạt động của enzyme và hàm lượng purine tổng thể trong tôm. Nó bị nghi ngờ là tương tự đối với thịt gà.


Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.

Không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.© Được VTC cung cấp

Ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư?

Về nguyên lý, nitrit (là hợp chất của nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ) sau khi vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.

Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện nhất định mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit.

Ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, gồm, vật lý, hóa học và sinh học, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.

Mặt khác, thức ăn thừa nói chung và thịt gà nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị vi sinh vật, nấm mốc, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.

“Vi sinh vật không gây ung thư nhưng có thể gây ra độc tố, ngộ độc cấp, dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa”, PGS Thịnh nói.

Chuyên gia khuyến cáo, bạn không nên tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh, tốt nhất nên nấu vừa đủ cho cả gia đình, ăn hết trong ngày. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày, cho vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín, trữ ở ngăn đông hoặc ngăn mát. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi.

Các bà nội trợ tốt nhất nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để thức ăn thừa lại bữa sau, và chỉ nên bảo quản thịt gà chưa qua chế biến.

Trường hợp bắt buộc phải bảo quản thịt gà đã chế biến, sau ăn bạn nên đem đun lại nồi thịt, để nguội và cất vào tủ lạnh. Không nên để nguyên nồi thịt đã dùng đem bảo quản, như vậy rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn.

Giá trị dinh dưỡng từ thịt gà

Trong thịt gà gồm các vitamin A, B1, B2, C, E và nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên không chỉ là thực phẩm khoái khẩu mà tác dụng của thịt gà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, vitamin B6 (hoặc vitamin B tổng hợp) trong thịt gà sẽ khuyến khích các enzyme và các phản ứng trao đổi chất của tế bào trong cơ thể. Nếu mọi người đang tìm kiếm nguồn thịt nạc tuyệt vời chứa nhiều protein, ít chất béo thì nên chọn thịt gà.

Lượng protein trong thịt gà có tác dụng giúp bạn tăng trưởng và phát triển cơ bắp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ giảm cân. Trong thịt gà cũng chứa lượng lớn axit amin được gọi là tryptophan có tác dụng làm dịu thần kinh, kích thích giấc ngủ.

Thịt gà có tính ấm, chế biến các món ăn tẩm bổ như hầm, cháo, canh dùng để bồi bổ, tăng cường sức khỏe cho người bệnh, đau ốm. Thịt gà ít tanh, hôi như thịt vịt. Thịt gà giàu phốt pho sẽ giúp hỗ trợ xương, răng phát triển, chắc, khỏe, phù hợp với người muốn giảm cân.