Không chỉ là thành phần cho một bữa ăn hỗ trợ giảm cân, các vitamin trong ớt chuông còn giúp bảo vệ tim mạch, tăng cường thị lực, giúp ngủ ngon, tốt cho tiêu hóa, làm sáng da và giảm gãy rụng tóc.
Ớt chuông là một nguyên liệu thực phẩm khá phổ biến dùng để chế biến nhiều món ăn, đặc biệt là trong các món salad. Nhưng bạn có biết chúng không phải là một loại rau mà thực ra là một loại trái cây không?
Về mặt thực vật học, ớt chuông được phân loại là quả mọng, là loại quả dày thịt và có nhiều hạt.
Ớt chuông thuộc nhóm ớt ít cay (cùng loại với ớt ngọt) nên cũng được gọi là ớt ngọt. Loại trái cây này không tạo ra capsaicin, một hợp chất ưa chất béo, gây ra cảm giác cay nóng cho người dùng giống như các loại ớt khác.
Ít calo, giàu vitamin
Ớt chuông chứa ít calo nhưng rất giàu các vitamin tốt cho cơ thể như vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin K, folate (vitamin B9), kali, magie…, là thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe.
Ớt chuông có nhiều màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là màu đỏ, vàng và xanh lục. Hiếm hơn là các loại ớt chuông màu cam, nâu, trắng và tím.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Danielle Crumble Smith (Mỹ), những quả ớt chuông có màu sắc khác nhau sẽ chứa hàm lượng chất dinh dưỡng không giống nhau, do đó tùy vào màu sắc mỗi quả ớt chuông mà có cách chế biến riêng để tận dụng được hết chất dinh dưỡng của trái cây này.
Ăn ớt chuông màu nào thì tốt nhất?
Theo chuyên gia dinh dưỡng Danielle Crumble Smith, ớt chuông đỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất do chúng mất nhiều thời gian để chín hơn, đồng thời hàm lượng vitamin và chất chống oxy hóa cũng lớn hơn hơn các loại ớt chuông màu khác.
Ớt chuông đỏ chứa nhiều vitamin C (75% dinh dưỡng của ớt đỏ là vitamin C, nếu chế biến, 100g ớt đỏ sẽ cung cấp cho cơ thể tầm 100mg vitamin C).
Hàm lượng vitamin A trong ớt chuông đỏ cũng cao hơn do có chứa beta-carotene, chất này cùng với lycopene tạo nên màu sắc cho ớt chuông đỏ.
Trong khi đó, ớt chuông xanh có vị hơi hăng, hàm lượng đường và carbohydrate cũng ít hơn nhưng lại chứa nhiều vitamin A dạng beta caroten có công dụng trong làm đẹp, chống oxy hóa, phòng ngừa ung thư, tốt cho thị giác, tăng sức đề kháng. Cứ 100g ớt chuông xanh sẽ chứa khoảng 3,5mg beta caroten và do khó ăn sống bởi vị hăng nên ớt xanh thường được làm chín.
Với ớt chuông vàng và cam, về hương vị cũng như hàm lượng dinh dưỡng sẽ nằm ở khoảng giữa ớt đỏ và xanh. Nói chung, theo chuyên gia Danielle Crumble Smith, ớt chuông càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
Tăng cường thị lực
Ớt chuông chứa nhiều vitamin A, đây là một chất cần thiết giúp tăng cường thị lực. Theo nghiên cứu, trong một khẩu phần ăn, loại ớt này sẽ cung cấp khoảng 75% hàm lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể giúp cải thiện và phát triển thị giác, hỗ trợ sáng mắt vào ban đêm và ngăn ngừa triệu chứng quáng gà.
Trong ớt chuông cam, đỏ và đặc biệt là ớt chuông xanh chứa nhiều zeaxanthin. Đây là một chất cần thiết giúp bảo vệ điểm vàng tránh khỏi tác động của ánh sáng xanh lên mắt.
Bổ sung và ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Trong ớt chuông có chứa sắt - một chất thiết yếu giúp bổ sung và ngăn ngừa bệnh thiếu máu trong cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin C có trong ớt chuông đỏ còn giúp cơ thể chống oxy hóa mạnh mẽ và giúp ruột tăng khả năng hấp thụ sắt.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Những chất oxy hóa mạnh trong ớt chuông sẽ trung hòa và ngăn chặn sự tác động của những gốc tự do làm tổn thương tế bào trong cơ thể, giảm cholesterol xấu trong máu. Nhờ đó, hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường type 2, tim mạch, đột quỵ.
Mặt khác, lượng phytonutrients dồi dào trong ớt chuông sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tốt cho người bệnh cao huyết áp, giúp giảm viêm, thải độc, tăng khả năng miễn dịch cùng sự trao đổi chất của những hormone; giúp giảm triệu chứng thở gấp và thư giãn đường hô hấp cho bệnh nhân hen suyễn để giảm thiểu mức độ cùng số lần phát bệnh.
Giúp ngủ ngon
Nhờ sự kết hợp của vitamin B6 và magie, ớt chuông giúp làm giảm căng thẳng thần kinh và lo lắng, tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Ngoài ra, vitamin B6 góp phần vào trong quá trình sản sinh melatonin để chất lượng giấc ngủ tốt hơn, hỗ trợ cân bằng “đồng hồ sinh học” của cơ thể.
Đối với phụ nữ, ớt chuông còn có tác dụng làm giảm những triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau nhức, mệt mỏi, tâm trạng thất thường.
Tốt cho tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân
Ớt chuông không chứa cholesterol, ít chất béo, ít calo, đồng thời có khả năng sinh nhiệt và tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể nên sẽ giúp bạn đốt cháy được nhiều calorie để giảm cân hơn.
Thêm vào đó, không như những loại ớt khác chứa capsaicin gây nóng trong người, ớt chuông chỉ sinh nhiệt lượng ở mức thích hợp để tăng cường trao đổi chất, nên không gây tăng nhịp tim hoặc huyết áp.
Lượng chất xơ dồi dào thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, bảo vệ ruột khỏi những vi khuẩn có hại, chống nguy cơ ung thư ruột kết, qua đó điều trị hội chứng ruột kích thích và táo bón.
Làm sáng da, giảm gãy rụng tóc
Vì có tính oxy hóa mạnh mẽ và vitamin C giúp thúc đẩy hình thành collagen, từ đó làn da của bạn sẽ được cải thiện săn chắc và khỏe mạnh. Hơn thế nữa, phytonutrients có trong ớt chuông giúp điều trị thâm, mụn trứng cá và nhiễm trùng da hiệu quả.
Ăn ớt chuông mỗi ngày còn giúp giảm tình trạng gãy rụng tóc, giúp tóc thêm chắc khỏe và mềm mượt.
Ăn ớt chuông như thế nào là tốt nhất?
Ớt chuông có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và cách hấp thụ tốt nhất vẫn là ăn sống như trái cây tươi hoặc làm salad với rau củ cho bữa sáng giảm cân.
Ngoài ra có nhiều công thức chế biến ớt chuông thành món ăn hấp dẫn như thịt lợn xào ớt chuông hoặc món gà cay thái hạt lựu với ớt chuông cho bữa trưa; ớt chuông chua ngọt, khoai tây cắt nhỏ xào với ớt chuông cho bữa tối.
Ớt chuông cũng có thể được thêm vào món salsa để tạo màu sắc và hương vị, hoặc thái lát mỏng làm lớp phủ bánh pizza …
Chuyên gia Crumble Smith tư vấn nên sử dụng đa dạng các loại ớt chuông nhiều màu sắc trong chế biến món ăn bởi một số công thức nấu ăn có thể yêu cầu ớt chuông đỏ ngọt hơn, trong khi ớt xanh có thể phù hợp với những công thức khác.
Ngoài ra, các màu sắc của ớt chuông cũng khiến món ăn hấp dẫn hơn về mặt thị giác khiến thực khách cảm thấy ngon miệng hơn.
Tuy nhiên cần lưu ý không nên nấu ớt chuông quá chín bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng vitamin của ớt.
Hình dạng của ớt chuông khiến chúng dễ dàng tích tụ thuốc trừ sâu trên cuống vì vậy khi làm sạch cần cắt bỏ cuống trước khi chế biến./.
VietNam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét