Khung giờ vàng trong đột quỵ thường được hiểu là thời gian để thực hiện tái thông cho các trường hợp nhồi máu não kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ.
Theo các khuyến
cáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thời gian vàng cho cấp cứu
điều trị là nằm trong khoảng từ 3 - 4,5 tiếng kể từ khi các triệu chứng đầu
tiên xuất hiện. Người nhà cần ghi nhớ thời điểm này để thông tin lại cho bác
sĩ. Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ bao gồm yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng,
khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng…
BS.CKII Kiều Mạnh
Hà, Chủ nhiệm Khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM cho biết: “Khi đột
quỵ xảy ra, việc can thiệp cấp cứu cần phải tận dụng sớm từng phút giây. Tuy
nhiên, hiện nay có đến khoảng 70% trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp
thời trong khung "giờ vàng". Trong đó, gần một nửa tử vong và số còn
lại phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng”.
Phim chụp CT của bệnh nhân Nguyễn Văn Anh, 35 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM. (Ảnh BVCC)© Được VTC cung cấp
BS Mạnh Hà chia sẻ về
trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Anh, 35 tuổi (ngụ quận 8) đã hồi phục gần như
hoàn toàn sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân có thể trạng
béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu không điều trị thường xuyên, được các
bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM thăm khám và chụp CT sọ não chẩn đoán xuất
huyết khối não đồi thị phải.
"Lúc 22h bệnh
nhân xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tê và yếu nửa người trái,
khoảng 22h30 bệnh nhân đã được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời. Tại bệnh viện,
các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết,
nhiệt độ, để lại di chứng là tê bì nhẹ ở tay trái", BS Mạnh Hà nói.
Khi người bệnh được
đưa đến cấp cứu đột quỵ trong "giờ vàng", tùy từng trường hợp, bác sĩ
sẽ cân nhắc sử dụng các kỹ thuật hiệu quả, hiện đại, gồm: Dùng thuốc tiêu sợi
huyết bằng đường tĩnh mạch (rTPA), can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch
máu não bị vỡ, phẫu thuật…
Tuy nhiên, hiện nay
có rất nhiều bệnh nhân khi có dấu hiệu đột quỵ không đến cơ sở y tế ngay mà ở
nhà tự điều trị.
Trường hợp bệnh nhân
Trần Thị Nhi, 43 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), không ghi nhận tiền căn bệnh,
tuy nhiên sau 2 tuần điều trị và xuất viện để lại di chứng rất nặng nề.
Theo các bác sĩ, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt, giúp người bệnh nâng cao khả năng sống sót và phục hồi hiệu quả, sớm trở lại cuộc sống bình thường. (Ảnh minh họa)© Được VTC cung cấp
BS Mạnh Hà cho biết
thêm, trước 1 ngày nhập viện, bệnh nhân đột ngột thấy tê và yếu nhẹ tay khoảng
15 phút nhưng đã tự phục hồi. Bệnh nhân chủ quan không thăm khám. Ngày hôm sau,
lúc đang làm việc đột ngột thấy yếu nửa người phải kèm méo miệng.
Bệnh nhân được người thân đưa vào nhà cho uống nước đường, chích máu
đầu ngón tay… sau nửa ngày bệnh nhân mới được gia đình đưa tới bệnh
viện.
Sau khi thăm khám
và chụp CT, bác sĩ kết luận bệnh nhân nhồi máu não diện rộng có
chuyển dạng xuất huyết giờ thứ 11 nên không còn chỉ định tái thông.
Theo BS Mạnh Hà,
nếu bệnh nhân tới bệnh viện thăm khám khi có biểu hiện tê và yếu
nhẹ tay phải từ ngày hôm trước, các bác sĩ đã có thể điều trị dự
phòng đột quỵ cho bệnh nhân hiệu quả hơn.
"Cấp cứu đột
quỵ càng sớm càng tốt, giúp người bệnh nâng cao khả năng sống sót và phục hồi
hiệu quả, sớm trở lại cuộc sống bình thường", BS Mạnh Hà nói.
Đột quỵ có thể xảy
ra ở bất kỳ độ tuổi hay đối tượng nào. Tuy nhiên, BS Mạnh Hà cho biết, 80% các
ca đột quỵ có thể phòng ngừa được thông qua việc chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm;
cần xây dựng lối sống khoa học và nếu bệnh nhân được đưa tới cơ sở y tế cấp cứu
trong khung giờ vàng thì tỷ lệ tử vong thấp, ít để lại di chứng sau điều trị.
“Tuyệt đối không
được uống bất cứ thuốc gì, kể cả nước vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở;
không thực hiện trói tay, chân hoặc sử dụng ngáng miệng bệnh nhân khi bệnh nhân
bị co giật; không tự ý cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc hạ huyết áp tại
nhà; không cạo gió và đặc biệt không được dùng các biện pháp dân gian như chích
máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao”,
BS Mạnh Hà đưa ra lời khuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét