Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

STUGERON THUỐC TRỊ TIỀN ĐÌNH & HƠN THẾ NỮA

Stugeron là một biệt dược hay được sử dụng trong điều trị tình trạng rối loạn tuần hoàn máu, rối loạn tiền đình hay phòng ngừa say tàu xe. Khi dùng thuốc cần lưu ý một số vấn đề về tác dụng phụ của thuốc đối với sức khỏe người bệnh.

1. Stugeron là thuốc gì?

Thuốc stugeron có thành phần hoạt chất chính là cinnarizine, đây là một dẫn chất của piperazin có tác dụng kháng histamin H1.

Cinnarizin có thể hoạt động bằng cách chặn các thụ thể ở cơ quan tận cùng của tiền đình và ức chế quá trình hoạt hóa quá trình tiết histamin và acetylcholin. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm co bóp cơ trơn mạch máu nhờ ức chế chọn lọc luồng ion calci đi vào tế bào bị khử cực trong quá trình cơ co, nhờ đó giảm thiểu sự hiện diện của ion calci cần cho việc cảm ứng và duy trì co cơ trơn của mạch máu. Trên nghiên cứu nhận thấy cinnarizine không gây độc hại và không cản trở các chức năng sinh lý quan trọng của hệ thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn và hệ hô hấp.

Do đó, mà thuốc cinnarizin được chỉ định trong các trường hợp sau:

·         Rối loạn tiền đình: Điều trị duy trì giúp giảm các triệu chứng rối loạn mê đạo bao gồm chóng mặt, hoa mắt, choáng váng, buồn nôn và nôn, ù tai, rung giật nhãn cầu.

·         Phòng ngừa say sóng hay say tàu xe và phòng ngừa chứng đau nửa đầu migraine

·         Điều trị duy trì các triệu chứng gây ra do mạch máu não bao gồm hoa mắt, choáng váng, ù tai, đau đầu nguyên nhân mạch máu, rối loạn kích thích và khó hoà hợp với người xung quanh, mất trí nhớ, kém tập trung.

·         Điều trị duy trì các triệu chứng rối loạn tuần hoàn ngoại biên như bệnh Raynaud gây xanh tím và lạnh đầu chi, đau cách hồi, rối loạn dinh dưỡng do mạch máu, giãn tĩnh mạch, tê, chuột rút về đêm...

Chống chỉ định với các trường hợp bệnh nhân có những phản ứng quá mẫn với thuốc hay các thành phần tá dược. Ngoài ra, cần lưu ý ở bệnh nhân Parkinson chỉ nên dùng Stugeron nếu nhận thấy lợi ích dùng thuốc cao hơn nguy cơ làm nặng thêm bệnh này và phụ nữ mang thai cũng cần cân nhắc.

Stugeron là thuốc gì? đây là thuốc điều trị tình trạng rối loạn tuần hoàn máu

2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc stugeron 25mg

Liều dùng:

·         Đối với trường hợp rối loạn tuần hoàn não: người lớn 1 viên 25mg mỗi lần và ngày 3 lần.

·         Rối loạn tiền đình: người lớn:

·         1 viên 25mg mỗi lần và ngày 3 lần.

·         Rối loạn tuần hoàn ngoại vi: người lớn 2 đến 3 viên 25mg, uống 3 lần/ngày.

·         Say tàu xe, máy bay: Đối với người lớn và trẻ từ 13 tuổi trở lên thì uống 1 viên 25mg ít nhất nửa giờ trước khi khởi hành và có thể lặp lại mỗi 6 giờ. Trẻ em 6 – 12 tuổi dùng 1⁄2 viên 25mg trước khi lên xe 30 phút.

Cách dùng:

·         Khuyến cáo liều tối đa không vượt quá 225mg mỗi ngày.

·         Nên uống sau bữa ăn, để giảm kích thích dạ dày.

3. Những tác dụng không mong muốn của thuốc stugeron 25mg là gì?

Một số tác dụng không mong muốn được ghi nhận của thuốc bao gồm:

·         Rối loạn tiêu hóa thường có thể gặp khi dùng liều cao. Các biểu hiện có thể gặp như đau bụng, đi ngoài, buồn nôn...

·         Đau đầu có thể gặp

·         Gây khô miệng, có thể gây tăng cân, ra mồ hôi nhiều.

·         Phản ứng dị ứng: Hiếm gặp nhưng có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, từ mẩn ngứa tới dị ứng nặng gây khó thở, huyết áp hạ...

·         Triệu chứng ngoại tháp như run, rung giật cơ, cứng cơ khớp... ở người cao tuổi hoặc khi điều trị dài ngày.

·         Ngoài ra, thuốc có thể làm hạ huyết áp khi dùng với liều cao.

Stugeron 25mg là thuốc gì? Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa do dùng thuốc

4. Những lưu ý khi dùng thuốc Stugeron

·         Trước khi dùng bạn cần lưu ý tiền sử dị ứng của bản thân, nếu dị ứng với thành phần của thuốc hoặc với các thuốc khác hay thức ăn thì cần thông báo với bác sĩ.

·         Chú ý việc dùng thuốc sau ăn bởi vì thuốc này hay những thuốc kháng histamin khác có thể gây đau vùng thượng vị.

·         Tình trạng ngủ gà có thể gây ảnh hưởng tới quá trình làm việc và vận hành xe cộ, máy móc. Đặc biệt lúc khởi đầu điều trị, thuốc có thể làm tăng tình trạng này, nên chú ý. Stugeron gây buồn ngủ do cơ chế tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, gây ức chế thần kinh, gây nên cơn buồn ngủ kéo dài. Mức độ gây buồn ngủ của Stugeron sẽ khác nhau ở từng đối tượng. Có người cảm thấy cơn buồn ngủ thoáng qua, nhưng có người buồn ngủ nặng hơn.

Thời gian buồn ngủ kéo dài khoảng vài giờ đầu sau khi dùng thuốc. Thông thường sẽ hết buồn ngủ khi không dùng nữa.

·         Phải tránh dùng cinarizin dài ngày ở những người cao tuổi. Vì có thể gây tăng nguy cơ hoặc xuất hiện những triệu chứng ngoại tháp, đôi khi nó còn có thể kết hợp với cảm giác trầm cảm trong điều trị kéo dài.

·         Tình trạng hạ huyết áp: cần thận trọng khi dùng với liều cao cho đối tượng bị giảm huyết áp, vì nó có nguy cơ làm nặng lên tình trạng hạ áp.

·         Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú cần cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của thuốc trước khi bắt đầu điều trị.

·         Trong trường hợp dùng quá liều có thể gây ra những tác dụng như chóng mặt quá mức, buồn ngủ, hôn mê hay nôn mửa hoặc đôi khi xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp. Khi quá liều cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được điều trị các triệu chứng phù hợp và có biện pháp chăm sóc y tế phù hợp bởi hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho quá liều thuốc này. Mặc dù, đa số không nghiêm trọng nhưng đã có ghi nhận về ca tử vong do dùng quá liều. Cho nên, hết sức lưu ý khi dùng thuốc nhất là trẻ con.

·         Trường hợp nếu bạn quên không uống thuốc thì hay uống khi nhớ ra càng sớm càng tốt, nếu gần với liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên. Không tự ý uống gấp đôi liều thuốc để bù lại liều đã quên.

Hy vọng thông qua bài viết bạn đã biết được thuốc stugeron 25mg là gì và những lưu ý khi dùng thuốc. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đàn ông có thể làm 4 việc này sau 65 tuổi chứng tỏ có sức khỏe tốt

  (VTC News) -  Nếu một người đàn ông trên 65 tuổi có thể làm được 4 điều dưới đây, chứng tỏ thể chất họ tương đối tốt, ít có khả năng mắc...